Tại cuộc họp báo về Nghị định 52/2017/NĐ-CP cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, TP tổ chức ngày 31-5, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, cho biết đây là hành lang pháp lý quan trọng chuẩn bị cho quá trình tốt nghiệp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam.
Dự kiến, Việt Nam sẽ tốt nghiệp ODA với nhà tài trợ lớn nhất là Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng 7-2017 để bước vào thời kỳ phải vay vốn nước ngoài kém ưu đãi hơn. Một nhà tài trợ lớn khác là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 31-5 cũng đã gặp gỡ Bộ Tài chính tính toán khả năng Việt Nam tốt nghiệp ODA nhưng chưa thống nhất về thời điểm cũng như cơ chế cho vay sau giai đoạn này...
Trước năm 2010, vốn ODA của WB dành cho Việt Nam có lãi suất trung bình 1%, thời gian ân hạn kéo dài và những năm gần đây, lãi suất đã tăng lên 1,5%/năm. Chính phủ dành tới 92% vốn vay nước ngoài để cấp phát cho các địa phương trong khi nguồn vốn cho vay lại chỉ chiếm 7%-8%.
Vốn ODA đã phát huy hiệu quả trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Bà Thảo đánh giá giai đoạn 2014-2015, hiệu quả sử dụng vốn vay ODA không cao, tỉ lệ thất thoát lớn do chủ yếu cấp phát cho các địa phương nghèo đầu tư cơ sở hạ tầng, cho vay xóa đói giảm nghèo nên không đem lại nguồn thu trực tiếp. Về nguyên nhân phân bổ vốn ODA chủ yếu là cấp phát, bà Thảo cho rằng trong bối cảnh nhiều địa phương không bảo đảm ngân sách, thiếu vốn đầu tư, Chính phủ vay vốn ODA lãi suất ưu đãi nên đẩy mạnh cho vay thì không hợp lý.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, đang dần tốt nghiệp ODA, Luật Ngân sách địa phương quy định quyền vay nợ của địa phương... và đòi hỏi cấp thiết về việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 đẩy mạnh cơ chế cho vay lại vốn ODA thay vì cấp phát. Theo đó, tỉ lệ cho vay lại được xác định theo 5 nhóm. Các địa phương khó khăn về ngân sách vẫn được nhận cấp phát ODA nhưng các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... sẽ giảm mạnh vốn cấp phát đối với các dự án.
Cùng với cơ chế cho phép địa phương được bội chi ngân sách, chính sách pháp luật liên quan đã tính toán tỉ lệ cho vay từ các nguồn không quá cao, đáp ứng yêu cầu tuân thủ hạn mức nợ của các địa phương. Cụ thể là dòng tiền trả nợ hằng năm để gánh nặng nợ mỗi năm chiếm không quá 10% tổng ngân sách trả nợ của địa phương.
Về tình trạng chậm giải ngân một số dự án của TP HCM và Hà Nội, bà Thảo giải thích vấn đề này không liên quan đến việc chuyển đổi từ cơ chế cấp phát sang cho vay vốn ODA. Việc chậm thanh toán cũng chỉ xảy ra cục bộ tại một số nơi, chưa phổ biến. Vấn đề mới nảy sinh của các dự án hiện nay là làm sao tính toán vốn sát tiến độ thực hiện.
Dừng vay vốn ưu đãi thu nhập thấp từ WB
Ngày 30-5, Ban Giám đốc điều hành WB đã thông qua khung đối tác quốc gia (CPF) mới của Nhóm WB với Việt Nam. Với khung đối tác mới này, Nhóm WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình và tốt nghiệp quy chế vay vốn từ Hiệp hội Phát triển quốc tế - nguồn vốn dành cho các nước thu nhập thấp của WB.
Khung đối tác mới tiếp tục phát huy những hỗ trợ sẵn có và mạnh mẽ của WB tại Việt Nam; phối hợp, bổ trợ với các đối tác phát triển khác và huy động thêm các nguồn lực khác phục vụ phát triển, như huy động nguồn vốn thương mại và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm: phát triển bao trùm và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; đầu tư vào con người và tri thức; bền vững môi trường và năng lực ứng phó; quản trị tốt.
D.Ngọc
Bình luận (0)