Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 18-7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nghe NHNN giải trình 6 nội dung và đề nghị NHNN tập trung vào các vấn đề xử lý nợ xấu, giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng, huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân, sở hữu chéo và bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền.
Vốn phải vào doanh nghiệp khởi nghiệp
Nghe báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận NHNN đã giữ được ổn định tỉ giá và lãi suất, tạo niềm tin cho thị trường. Riêng lãi suất có thời điểm giảm nhẹ, huy động tín dụng tăng, cơ cấu tín dụng đã tốt hơn. NHNN đã hoàn thành 397 trong 447 nhiệm vụ Thủ tướng giao. Trong số các nhiệm vụ chưa hoàn thành, có 5 nhiệm vụ quá hạn do nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Bộ trưởng lưu ý năm 2016, cả nước có 110.000 doanh nghiệp (DN) mới thành lập nhưng có 93.000 DN phá sản, ngừng hoạt động. Một trong những nguyên nhân là do khó tiếp cận tín dụng. Do đó, NH có thể giảm lãi suất để cứu DN, nhất là DN khởi nghiệp. "Dư nợ tín dụng của nền kinh tế hiện nay là trên 5 triệu tỉ đồng, nếu lãi suất cho vay giảm 1% thì các DN dành được 50.000 tỉ đồng để đầu tư. Cứ 5 đồng vốn 1 đồng lãi là đã có 10.000 tỉ đồng lợi nhuận. Từ lợi nhuận này nộp thuế thu nhập DN khoảng 2.000 tỉ đồng, chưa kể số tiền này có thể quay trở lại đầu tư sẽ tạo ra khoảng 0,25% điểm tăng trưởng GDP" - Bộ trưởng nêu phép tính tham khảo.
Văn phòng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất để doanh nghiệp có thêm vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh Ảnh: Tấn Thạnh
Còn đối với nợ công ở mức khoảng 1 triệu tỉ đồng, nếu giảm 1% lãi suất sẽ tiết kiệm cho ngân sách khoảng 10.000 tỉ đồng cũng là rất tốt để tạo điều kiện bù đắp cho đầu tư phát triển.
Bộ trưởng đề nghị Thống đốc NHNN trong điều kiện khó giảm lãi suất huy động, các NH cố gắng giảm chi phí quản lý, vận hành, tiết kiệm, quản lý nợ xấu, minh bạch tài chính, để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đưa nguồn tiền vào sản xuất kinh doanh. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tín dụng tăng nhưng không nên "chảy" vào một số đại gia mà phải vào DN khởi nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản xuất.
Tắc vốn vì sợ quy trách nhiệm hình sự
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm về mức khoảng 6%-9%/năm cho vay ngắn hạn; cho vay trung, dài hạn là 9%-11%/năm; cho vay khách hàng tốt chỉ còn 4%-5%/năm. Đáng lưu ý là cơ cấu tín dụng 6 tháng đầu năm rất tích cực, cho vay sản xuất kinh doanh chiếm 80%. Cho vay các lĩnh vực kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với các lĩnh vực khác, tín dụng công nghiệp tăng trên 10%, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%. Trong khi đó, tín dụng vào các lĩnh vực nhiều rủi ro tăng thấp, ví dụ bất động sản chỉ tăng 5,53% so với cuối năm 2016, chiếm 6,86% tổng dư nợ. Tín dụng tiêu dùng tăng 7,01%, chiếm 15,17% tổng dư nợ; tín dụng vào dự án đầu tư hạ tầng BOT, BT chỉ tăng 1,75%, chiếm 1,54%. Nợ xấu của hệ thống NH cũng giảm về mức 2,53%.
Giải trình với Tổ công tác về việc một số địa phương phản ánh khó tiếp cận vốn vay lĩnh vực ưu tiên như đóng tàu nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị có riêng một hội thảo về vấn đề này để các bên cùng tháo gỡ. Vì các NH đã sẵn sàng vốn nhưng do vướng mắc về thủ tục nên chưa giải ngân được.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), cho biết đến nay, Agribank giải ngân được gần 10.000 tỉ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao do vướng thủ tục thế chấp, cán bộ tín dụng không dám thẩm định hồ sơ. Đặc thù cho vay nông nghiệp là tài sản đầu tư trên đất thuê không được tính vào giá trị DN. Giá trị đầu tư đến hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng nhưng mất mùa thì bằng 0. Nếu định giá thấp DN không chịu, định giá cao đến lúc thành nợ xấu, cơ quan chức năng quy trách nhiệm định giá tài sản cao quá, dễ bị quy trách nhiệm hình sự nên NH không dám nhận thế chấp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cam kết sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét kiến nghị của NHNN về tính pháp lý của tài sản thế chấp nhưng ông Trịnh Ngọc Khánh cho rằng chỉ tháo gỡ vướng mắc pháp lý là chưa đủ, quan trọng là không quy trách nhiệm hình sự. "Tìm cán bộ quản lý tại Hà Nội và TP HCM khó lắm. Anh em 55-56 tuổi xin nghỉ hưu là bình thường. Cần có cơ chế đánh giá trách nhiệm cán bộ trong phê duyệt hồ sơ, không hình sự hóa thì anh em mới yên tâm làm việc, ký cho vay" - ông Khánh nhấn mạnh.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc NHNN sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân như Thủ tướng đã yêu cầu. Theo Bộ trưởng, NHNN có chủ trương chống đô la hóa nhưng cũng cần tính đến giải pháp huy động ngoại tệ vì Chính phủ vẫn phải mua lượng trái phiếu quốc tế cao với lãi suất khoảng 4,8%/năm. "Nguồn lực trong dân rất lớn, làm thế nào huy động được nguồn lực USD đang nằm trong dân. Thay vì gửi lãi suất 0%, có chính sách huy động nguồn lực này để hòa vào huy động khác để phục vụ đầu tư. Đó là một trong số tiêu chí để phấn đấu hạ lãi suất" - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Lãi suất tiền gửi khó giảm
Theo Tổng Giám đốc một NH thương mại có hội sở tại Hà Nội, cách đây nửa tháng, NHNN đã giảm lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm và giảm lãi suất cho vay tối đa đối với các đối tượng ưu tiên từ 7%/năm xuống 6,5%/năm nhưng lãi suất tiền gửi vẫn không giảm. Nguyên nhân chủ yếu là hàng chục NH thương mại cỡ nhỏ rất khó huy động tiền gửi từ dân cư, buộc các NH này phải neo lãi suất tiết kiệm ở mức cao nhằm giữ chân khách hàng hoặc thu hút thêm tiền gửi để cơ cấu nguồn vốn theo đúng quy định. Tuy vậy, vị lãnh đạo NH này hy vọng việc xử lý nợ xấu được giải quyết nhanh hơn. Như thế, các NH sẽ nhanh thu hồi số vốn đã cho vay, giảm áp lực huy động tiền gửi, tạo điều kiện cho lãi suất tiền gửi lẫn cho vay đi xuống. T.Thơ
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:
Còn dư địa để giảm lãi suất
Vừa qua, NHNN đã điều chỉnh các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NH thương mại. Mục đích của việc điều chỉnh để phấn đấu giảm lãi suất như Chính phủ mong muốn là giảm lãi suất cho vay 0,5%-1%.
Có nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này. Đó là tiết giảm chi phí hoạt động, xử lý nợ xấu... Yếu tố rất quan trọng trong chi phí hoạt động NH là trích lập dự phòng rủi ro. Nếu thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, bao gồm tái cơ cấu nợ xấu, bán tài sản bảo đảm... một cách tích cực thì NH thương mại sẽ thu hồi được tài sản thông qua xử lý nợ xấu, khi đó có thể giảm được lãi suất.
Một yếu tố khác có tác động đến việc giảm lãi suất là lạm phát. Sáu tháng đầu năm nay, lạm phát chỉ ở mức 0,2%. Nếu Chính phủ kiềm chế được lạm phát cả năm ở mức 2%-3%, cùng với triển khai xử lý nợ xấu có kết quả thì sẽ có điều kiện giảm lãi suất như mong muốn là 1%.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội:
Nên chờ nghị quyết xử lý nợ xấu
Mong muốn giảm thêm lãi suất cho vay của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn trong dài hạn. Tuy nhiên, việc giảm thêm lãi suất có thể chưa hợp lý với tình hình hiện nay vì chưa hội đủ điều kiện. Bởi NHNN còn phải theo dõi diễn biến của giá cả hàng hóa trong các tháng sắp tới và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tiếp tục tăng thêm lãi suất vào dịp cuối năm 2017 hay không.
Giả sử NHNN giảm thêm lãi suất điều hành để các NH thương mại giảm 1% lãi suất cho vay ngay lúc này, rồi vài tháng sau lại tăng lên thì thị trường sẽ hứng chịu rất nhiều cú sốc, ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế để giảm thêm lãi suất, Chính phủ cần chờ nghị quyết xử lý nợ xấu phát huy tác dụng. Các NH thương mại từng bước giải quyết nợ xấu, giảm thiểu chi phí hoạt động sẽ giảm được lãi suất tiền gửi, kéo lãi suất cho vay giảm theo.
T.Thơ ghi
Bình luận (0)