Theo ghi nhận, nhiều ngân hàng (NH) thương mại đã thông báo giảm lãi suất cho vay tối đa 2,5%/năm so với biểu lãi suất thông thường, nhất là với những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế. Động thái này được các NH thương mại đưa ra sau chỉ đạo của NH Nhà nước tại Chỉ thị số 02 về các giải pháp cấp bách của ngành NH nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Hiện các tổ chức tín dụng cũng đang tiếp tục việc miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Nhiều khoản vay thấp hơn lãi suất huy động
Chiều 1-4, ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Thiên Niên Kỷ, cho biết vừa nhận được thông báo từ NH thương mại về việc khoanh nợ cho khoản vay trung dài hạn gần chục tỉ đồng của doanh nghiệp (DN) trong thời hạn 1 năm, cứ 3 tháng sẽ xem xét lại 1 lần. Với chính sách hỗ trợ này, công ty ông sẽ giảm áp lực chi phí trả lãi vay trong bối cảnh ngành du lịch đang "đóng băng" do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Chúng tôi cũng đang có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động để có kinh phí trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động của DN vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Nhưng hiện tại, phía NH thương mại cho hay đang chờ chính sách cụ thể về lãi suất, nếu được vay lãi suất ưu đãi sẽ là động lực rất lớn cho DN lúc này" - ông Dũng nói.
Các ngân hàng đang triển khai việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều DN và khách hàng vay cá nhân khác cũng đã gửi đơn đề nghị hoặc liên hệ tới NH thương mại nơi đang vay vốn hỏi về chính sách miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ hoặc muốn vay mới với lãi suất ưu đãi hơn. Chủ một trường mầm non tư thục ở quận 2, TP HCM cho biết hệ thống 3 trường mầm non của chị đã ngưng hoạt động từ sau Tết nguyên đán đến nay theo yêu cầu của cơ quan quản lý để phòng chống dịch Covid-19. Giáo viên, nhân viên trong trường nghỉ dạy, nghỉ làm nhưng một số vẫn phải trả lương, buộc chị phải liên hệ vay NH để có chi phí tiếp tục duy trì trường.
"Hai tuần trước, tôi mới được giải ngân khoản vay ngắn hạn lãi suất 10,5%/năm lấy chi phí trả lương cho nhân viên, giáo viên trong trường. Do vay vốn với tư cách cá nhân nên tôi không được hưởng ưu đãi. Giờ nghe thông báo có chính sách giảm mạnh hơn nữa lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng từ dịch, tôi cũng mong được giảm thêm lãi suất để bớt áp lực chi phí tài chính" - chủ trường mầm non này chia sẻ.
Đến thời điểm này, nhiều NH thương mại như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Nam A Bank... đều đang triển khai chính sách miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho cả khách hàng cá nhân và DN bị tác động từ dịch bệnh; đồng thời tiếp tục thực hiện giảm thêm lãi suất cho khoản vay hiện hữu và khoản vay mới để hỗ trợ DN nhiều hơn.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết từ đầu tháng 3 đến nay, BIDV đã giãn nợ cho 3.300 khách hàng, giảm 0,5-1,2%/năm lãi suất các khoản vay cũ. Tuy nhiên, với diễn biến mới của dịch bệnh, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của khách hàng, BIDV sẽ tiếp tục giảm thêm lãi vay.
Theo đó, nhóm khách hàng ngành hàng không, du lịch, khách sạn... sẽ được NH giảm tối đa 2%/năm lãi suất đối với các khoản vay đã ký trước khi xảy ra dịch bệnh. Các ngành nghề khác cũng được BIDV giảm lãi suất tối thiểu 0,5%/năm. Còn lãi suất vay mới của các gói tín dụng hàng chục ngàn tỉ đồng cũng giảm 2%/năm so với trước khi có dịch Covid-19, áp dụng từ nay đến sau 3 tháng khi Chính phủ công bố kết thúc dịch bệnh.
NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, tổng dư nợ của các khách hàng gặp khó khăn do Covid-19 được Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ là trên 8.200 tỉ đồng. Trong thời gian tới, nhiều khách hàng thuộc nhóm 50.000 tỉ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết đã giảm lãi suất DN và cá nhân đối với dư nợ hiện hữu 112.000 tỉ đồng; trong đó, giảm lãi suất cho DN trực tiếp bị ảnh hưởng gần 20.000 tỉ đồng. Tới đây, Vietcombank sẽ kéo dài chính sách giảm lãi suất 1%-1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu cho đến đến ngày 30-9, thay vì áp dụng đến ngày 30-4 như trước - đồng nghĩa NH chấp nhận giảm lợi nhuận 300 tỉ đồng. Đối với cho vay mới, Vietcombank giảm lãi suất 2%-2,5%/năm, tức khách hàng vay vốn chỉ với 4,5%-5%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiền gửi hiện nay.
Tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), ông Hoàng Việt Cường, phó tổng giám đốc, cho biết NH sẽ tiếp tục giảm lãi vay lên đến 2%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với khoản vay bằng VNĐ và USD cho khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ lưu trú, nhà hàng, quán ăn và xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch). Việc giảm lãi vay nhằm hỗ trợ khách hàng duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm tải áp lực trước hàng loạt khó khăn khi dịch bệnh kéo dài, hạn chế số lượng DN đóng cửa, phá sản...
Ngân hàng cũng muốn được hỗ trợ
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), khẳng định NH sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng DN và người dân vay vốn ở mức khoảng 2%/năm và có thể cao hơn 2%/năm đối với các lĩnh vực, hoạt động phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh cần thiết. Các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và mức độ ảnh hưởng rất khó đoán nhưng với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bị tác động rất lớn và ngay lập tức.
Để mạnh tay hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, ông Phạm Hoàng Đức, thành viên phụ trách HĐTV NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho hay trong vài ngày tới, Agribank áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (khoản vay bằng VNĐ) và thấp hơn 0,5% (khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại thuộc gói tín dụng 100.000 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo các NH thương mại, để giảm mạnh lãi vay hỗ trợ thị trường, DN, các NH phải tập trung tiết giảm chi phí hoạt động ở mức thấp nhất để giảm giá thành huy động vốn hợp lý. Dù thời điểm hiện tại, các NH chưa tính đến giảm lãi suất huy động nhưng trong tương lai, khi nhu cầu vốn từ thị trường ở mức thấp thì lãi suất đầu vào cũng phải giảm theo. Thậm chí, một số NH đã tính đến việc điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận năm 2020 do tác động từ dịch bệnh.
Ông Lê Đức Thọ nhận định lĩnh vực NH cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bởi NH là ngành kinh tế tổng hợp và chịu tác động từ các ngành khác. Bản thân các NH cũng cần những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước như xem xét giảm hoặc miễn thuế đối với các NH thương mại hoặc đề nghị NH Nhà nước có chính sách tái cấp vốn với mức lãi suất thấp, để hỗ trợ các NH giảm mạnh hơn và giảm nhanh hơn lãi suất cho vay ra thị trường. Từ đó, tác động tích cực đối với việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
"NH cũng là DN và rất cần sự đồng thuận của các cơ quan quản lý khác trong việc được hỗ trợ chính sách về thuế, phí; các DN được hoãn, miễn, giảm thuế, phí thì NH thương mại có được không? Do đó, rất mong có chính sách từ phía Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan quản lý để NH tiếp tục phát triển, chia sẻ cho DN" - ông Nghiêm Xuân Thành kiến nghị.
Xử lý nghiêm việc cản trở tháo gỡ khó khăn
Theo Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú, với tình hình dịch bệnh còn phức tạp, khó khăn của khách hàng ngày càng lớn, ngoài việc hoãn, giãn không chuyển nhóm nợ, các NH thương mại cần tiếp tục giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ lẫn mới, giúp DN duy trì hoạt động, có điều kiện phục hồi sản xuất - kinh doanh khi dịch bệnh kết thúc. Nếu không, DN có thể giảm khả năng trả nợ, từ đó dẫn đến nợ xấu NH tăng lên.
Trước đó, tại Chỉ thị 02 về các giải pháp cấp bách của ngành NH nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19, Thống đốc NH Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cần xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải chủ động rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông. Trước mắt, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Bình luận (0)