Sáng 14-7, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ. Đây là buổi họp báo công khai đầu tiên, sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhậm chức.
4 nguyên tắc thoái vốn
Liên quan đến công tác thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO), ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, cho biết dự kiến trong tháng 7-2017, các "ông lớn" ngành bia sẽ trình phương án thoái vốn lên bộ.
"Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) phải bảo đảm công khai. Bộ Công Thương cũng đã tích cực triển khai theo chỉ đạo đó. Hiện HABECO và SABECO đã ký hợp đồng tư vấn thoái vốn theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Dự kiến, sau khi được phê duyệt phương án, các DN này sẽ thực hiện bán vốn trong năm 2017" - ông Thắng thông tin.
Bia Sài Gòn, thương hiệu đang hấp dẫn nhà đầu tư Ảnh: TẤN THẠNH
Về vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Thường trực Ban Đổi mới DN, nhìn nhận hiện quy trình thoái vốn được thực hiện theo các quy định tại Nghị định 91 về quản lý vốn, tài sản DN nhà nước. Cùng với đó, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo DN thực hiện thoái vốn phải bảo đảm 4 nguyên tắc: công khai, bảo đảm lợi ích cao nhất, đúng quy luật thị trường và tuân thủ quy định pháp luật, cam kết quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng về đề án tái cơ cấu 4 tập đoàn trực thuộc, bộ đã trình Thủ tướng đề án của 3 tập đoàn là Dầu khí (PVN), Hóa chất (VINACHEM) và Điện lực (EVN). Đề án của Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đang được bộ hoàn thiện và trình Thủ tướng trong tháng 7-2017.
Xử lý triệt để các dự án yếu kém
Về tiến độ xử lý 12 dự án yếu kém của ngành, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, cho biết đến nay, trên cơ sở chỉ đạo, tháo gỡ của Chính phủ, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Xử lý tồn tại, yếu kém của một số DN ngành công thương, một số dự án đã có chuyển biến tốt. Đáng lưu ý là nhóm dự án của 4 nhà máy phân bón đã sản xuất trở lại và có hiệu quả, 2 nhà máy thép có nhiều dấu hiệu tích cực, Nhà máy Bột giấy Phương Nam cũng đã lên phương án tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho.
Theo Vụ Kế hoạch, trong tháng 7-2017, Bộ Công Thương sẽ có phương án trình ban chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý triệt để các dự án này.
Một vấn đề khác cũng được Bộ Công Thương giải đáp là việc EVN đề nghị giảm mua 2 triệu tấn than khiến TKV kêu khó khăn. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã có nhiều buổi làm việc với 2 đơn vị, có sự tham gia của các cơ quan chức năng của bộ và thống nhất ưu tiên sản xuất trong nước, sử dụng than của TKV bởi đối với TKV, điều này liên quan đến 113.000 người lao động nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc thị trường.
Xem xét phương án kỷ luật Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Liên quan tới kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về những sai phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết chiều 13-7, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã họp với Ban Cán sự Đảng của Bộ Công Thương để thông báo kết luận. Theo đó, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong thời kỳ giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang và sau là Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1-2004 đến tháng 5-2010). "Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, vi phạm khuyết điểm này sẽ có hình thức xử lý kỷ luật" - ông Hải khẳng định.
Về hình thức kỷ luật, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ cho biết hiện Ban Cán sự Đảng ủy cũng như chi bộ mà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang sinh hoạt thực hiện rất nghiêm túc theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương. "Sau này, có kết luận như thế nào sẽ thông báo rộng rãi" - ông Hải nói.
Bình luận (0)