Cách đây hơn 10 năm, một thương hiệu thực phẩm lớn tại TP HCM đã thử nghiệm bán thịt trâu tươi tại một số nơi với giá thấp hơn thịt bò (dù không đáng kể), đồng thời hướng dẫn cách chế biến. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, những quầy thịt trâu này đã mất hút, cho thấy câu trả lời rất rõ ràng của thị trường là không chấp nhận thay thịt bò bằng thịt trâu.
Chuyện gian lận mua trâu bán thịt bò đã có từ lâu nhưng trước đây, chỉ đơn giản là trâu tươi giả bò tươi. Gần đây, sự gian lận ngày càng tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Chỉ trong vài tháng đầu năm nay, ít nhất 5 vụ “thịt bò giả” được cơ quan chức năng TP HCM phát hiện, tang vật lên đến 8 tấn.
Nguyên liệu để làm giả thịt bò là thịt trâu đông lạnh nhập khẩu (4 vụ) và thịt heo nái (1 vụ) cùng sự “hỗ trợ” đắc lực của hóa chất. Thịt trâu đông lạnh bán sỉ chỉ bằng 50% giá thịt bò tươi. Như vậy, người mua không chỉ bị móc túi mà còn bị đầu độc sức khỏe do loại thịt này được “khuyến mãi” cả vi sinh vật gây bệnh do rã đông sai cách và hóa chất trong quá trình phù phép.
Theo thống kê của ngành thú y, từ đầu năm đến nay, mỗi tuần các kho lạnh tại TP HCM tiếp nhận khoảng 1.000 tấn thịt và phụ phẩm trâu đông lạnh (tương đương với sản lượng trâu bò tươi nhập về TP HCM tiêu thụ). Trong khi đó, người tiêu dùng hầu như không thể mua lẻ thịt trâu. Thịt trâu đông lạnh nhập khẩu chỉ được giới bán buôn giao dịch với nhau.
Sự cạnh tranh không lành mạnh này đã khiến ngành chăn nuôi bò thịt trong nước lao đao. Do nguồn cung thiếu, nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu bò từ Úc, Thái Lan… nhưng đến khi xuất chuồng, do không cạnh tranh nổi với thịt trâu đông lạnh nhập khẩu, có doanh nghiệp phải tái xuất sang Trung Quốc.
Dù không thích ăn thịt trâu nhưng nhiều người vẫn phải bỏ tiền mua thịt trâu bằng giá thịt bò, gấp đôi giá thịt đông lạnh nhập khẩu. Nghịch lý này chắc không sớm được giải quyết nếu thói quen ăn uống không thay đổi, cơ quan quản lý không quyết liệt vào cuộc.
Bình luận (0)