Ngày 17-7, tại TP HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp Tổng cục Thủy sản tổ chức hội thảo "Cơ hội và thách thức của ngành thủy sản tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)". Hội thảo giúp doanh nghiệp (DN) nắm rõ các cam kết có tác động đến ngành thủy sản.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chú ý quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi trong khối CPTPP và EU
Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ thời gian qua, với những ngành hàng lớn có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ USD/năm như tôm, cá tra. Nhờ vậy, ngành thủy sản được đánh giá là có lợi thế trong CPTPP đã có hiệu lực và sắp tới đây là EVFTA. Tuy nhiên, ông Luân khuyến cáo: "Lợi thế, cơ hội là rất lớn nhưng nếu chuỗi liên kết từ người nuôi trồng đến thu mua, chế biến, xuất khẩu không chuẩn bị tốt từ bây giờ thì các lợi thế chỉ nằm trên giấy".
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP (VASEP PRO), cho biết với 11 nước tham gia CPTPP, thủy sản Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang 10 thị trường vốn đang chiếm 25% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhờ hầu hết được cắt giảm thuế về 0%. Ngoài ra, các quốc gia thành viên CPTPP đang chiếm gần 16% nguyên liệu nhập khẩu của thủy sản Việt Nam, giúp DN đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ việc gia tăng nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu và gia công nhờ thuế nhập khẩu giảm hoặc về 0%. Còn EU là thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam, chiếm hơn 17% thị phần xuất khẩu. Tuy nhiên, bà Hằng cũng chỉ ra nhiều thách thức khi những rào cản phi thuế quan vẫn thuộc quyền của các nước nhập khẩu cũng như các tiêu chuẩn về lao động, môi trường ngày càng quy định chặt chẽ.
"Đặc biệt, về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế, các DN phải tìm hiểu kỹ, áp dụng linh hoạt và trung thực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản nên sớm chỉ đạo và cho áp dụng việc cấp mã số vùng nuôi cho 2 mặt hàng tôm và cá tra để áp dụng tốt quy tắc xuất xứ" - bà Hằng kiến nghị.
Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy tắc xuất xứ đối với CPTPP và EVFTA là rất khắt khe, nhằm xác định hàng hóa đó đúng là của nước tham gia hiệp định, được ưu đãi. "Trước đây, ngành nông lâm thủy sản ít quan tâm đến xuất xứ do hầu hết các mặt hàng thuần túy nuôi trồng trong nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều ngành hàng phát triển quy mô chế biến lớn, DN phải nhập khẩu nguyên liệu nên phải làm quen đến khái niệm xuất xứ nội khối, xuất xứ một phần như các ngành hàng công nghiệp khác. CPTPP và EVFTA mở ra cơ chế cho DN Việt Nam có thể tự chứng nhận xuất xứ nhưng phải lưu hồ sơ ít nhất 5 năm. Trong thời gian trên, phía nước nhập khẩu kiểm tra, nếu phát hiện gian lận xuất xứ sẽ bị phạt rất nặng" - bà Trang cảnh báo.
Cũng theo bà Trang, một số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU đang được hưởng ưu đãi thuế, khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu thực tế có thể tăng so với hiện hành, sau đó mới được giảm theo lộ trình. Đây là sự đánh đổi lợi ích trước mắt vì ưu đãi thuế hiện tại của EU là đơn phương, EU có thể dừng bất cứ khi nào trong khi ưu đãi trong EVFTA mang tính ổn định, lâu dài.
"Một trong những cơ hội lớn của DN khi gia nhập CPTPP và EVFTA là các đối tác sẽ mở cửa thị trường mua sắm công cho Việt Nam. Số liệu nghiên cứu cho thấy ở ngành đồ gỗ và nội thất, khối mua sắm công của EU chiếm thị phần hơn 30%. DN thủy sản cũng nên lưu ý để không bỏ qua cơ hội này" - bà Trang chia sẻ.
Chưa rõ cách phân bổ hạn ngạch
Tại hội thảo, nhiều DN quan tâm đến hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp hưởng thuế 0% được EU cấp cho Việt Nam sẽ được phân bổ như thế nào cho các DN khi EVFTA có hiệu lực. Dẫn thống kê của VCCI, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng trước giờ Việt Nam chưa từng có tiền lệ cam kết về hạn ngạch trong thủy sản nên các cơ quan chức năng sẽ phải đưa ra quy định trong thời gian tới. Bà Trang khuyến nghị DN có thể chủ động đề xuất cách phân bổ hạn ngạch hợp lý để các cơ quan chức năng tham khảo. Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, hiệp hội đã gửi thắc mắc này đến các cơ quan chức năng khá lâu. "Mới đây, VASEP nhận được trả lời từ đại diện Bộ Công Thương rằng hiện vẫn chưa rõ cơ chế phân bổ như thế nào vì các bộ ngành đang rà soát các quy định hiện hành xem có cần sửa đổi, bổ sung gì không. Có thể việc phân bổ hạn ngạch được ban hành theo dạng thông tư" - ông Nam thông tin.
Bình luận (0)