Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 246 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo nghị định theo hướng Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu và Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá đồng thời hướng dẫn trích lập, quản lý, sử dụng, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Biên độ điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện theo 3 mức: Khi yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng 3%, thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán lẻ tương ứng. Giá cơ sở tăng trên 3%-7%, thương nhân phải xin phép ý kiến liên bộ. Giá tăng trên 7% phải báo cáo Thủ tướng.
Chu kỳ tính giá cơ sở là bình quân 15 ngày sát với ngày tính giá.
Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 10-6 vừa qua liên quan tới việc sửa đổi Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nói rằng bộ này không muốn nhận trách nhiệm chủ trì trong việc điều hành giá xăng dầu. Ông cho biết đã đề xuất tiếp tục để Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương chỉ phối hợp điều hành giá xăng dầu như hiện hành.
Song theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu mối điều hành giá xăng dầu sẽ được chuyển về Bộ Công Thương nên bộ phải chấp hành.
Trước đây, khi Bộ Tài Chính chủ trì điều hành giá xăng dầu thì mỗi lần điều chỉnh giá đều hỏi ý kiến Bộ Công Thương. Nay thì ngược lại, Bộ Công Thương sẽ hỏi ý kiến Bộ Tài chính mỗi khi “quyết” điều chỉnh giá xăng dầu. Giá xăng sắp tới vẫn sẽ được điều chỉnh theo cơ chế liên ngành Công Thương - Tài chính.
Bình luận (0)