Chiều 10-6, Quốc hội (QH) bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn với phần mở màn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Trong phiên chất vấn này, các đại biểu (ĐB) QH đặc biệt quan tâm đến vấn đề nợ công, cân đối thu chi ngân sách, chuyển giá; điều hành giá các mặt hàng thiết yếu và cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước.
Ba năm chưa sửa Nghị định 84
Từng chất vấn về cơ chế điều hành giá xăng dầu ở nhiều kỳ họp trước, ĐB Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên) một lần nữa gay gắt truy trách nhiệm của bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chậm sửa đổi Nghị định 84 khiến tình trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh và nhập nhằng lỗ lãi trên thị trường xăng dầu vẫn hiện hữu.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội Ảnh: long thắng
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định Nghị định 84 cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, đề cao tinh thần điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Về việc chậm sửa đổi Nghị định 84, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đẩy trách nhiệm cho Bộ Công Thương khi nói rằng bộ này được giao trách nhiệm chủ trì, Bộ Tài chính chỉ có vai trò phối hợp. Tháng 6-2014, Thủ tướng đã nghe báo cáo về dự thảo thay thế Nghị định 84 và đã có kết luận, dự kiến còn chỉnh sửa lần cuối để ban hành trong thời gian rất ngắn, khoảng tháng 6 hoặc tháng 7.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, liên bộ Tài chính - Công Thương còn rụt rè trong điều hành giá và đề nghị phải điều hành mạnh dạn hơn, mạnh nữa là thả cho DN định giá xăng dầu.
Đáng lưu ý, ĐB Lê Thị Nga tỏ ra quan ngại trước việc giao trách nhiệm điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định việc giao trách nhiệm như thế là phù hợp vì Luật Giá quy định bộ quản lý ngành điều hành về giá. Cụ thể, Bộ Tài chính có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hướng dẫn và vẫn song hành trong quá trình này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: “Bản thân Bộ Công Thương không muốn sự thay đổi này. Chúng tôi đã đề xuất tiếp tục để Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương chỉ phối hợp như hiện hành. Giờ có đổi vai thì cũng vậy vì là cơ chế liên ngành. Nhưng chấp hành quyết định của Thủ tướng phân công làm đầu mối thì chúng tôi sẽ phối hợp trong điều hành giá”.
Vay nợ mới để trả nợ cũ
Vấn đề nợ công cũng làm “nóng” diễn đàn QH. ĐB Lê Thị Công (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn: Nền kinh tế hiện còn nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, nợ công tăng cao nhưng Bộ Tài chính vẫn báo cáo nợ công an toàn. Đề nghị bộ trưởng trả lời rõ liệu nợ công có thực sự an toàn hay không?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời theo số liệu tuyệt đối, nợ công đều có xu hướng tăng lên những năm gần đây. Bàn đến nợ công cần chú ý 2 yếu tố là cơ cấu nợ và khả năng trả nợ. Trên cơ sở này, nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các chỉ tiêu được QH và Chính phủ phê chuẩn.
Nếu so với GDP, tỉ lệ nợ công thay đổi không nhiều (tỉ lệ nợ công trên GDP qua các năm từ 2010-2013 lần lượt là 51,7%, 50,1%, 50,8% và 54,1%), vẫn dưới mức 65% theo nghị quyết của QH. Tính bình quân, 30% vốn huy động trong nước đang ở thời gian trả nợ từ 1-3 năm. “Vấn đề đặt ra là phải huy động được vốn để vừa phục vụ phát triển mới vừa vay trả nợ. Các ĐB sốt ruột là đúng song mức trả nợ vẫn cho phép…” - Bộ trưởng Bộ Tài chính trấn an.
ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) hỏi Chính phủ có đứng ra trả thay các khoản nợ của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hay không. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải can thiệp vào nợ của DN khi cần thiết. Việt Nam đã cấp bảo lãnh của Chính phủ để cấp lại nợ cho Vinashin...
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH:
Nên để Bộ Tài chính quản lý giá xăng
Chuyển điều hành giá xăng dầu sang Bộ Tài chính sẽ phù hợp hơn bởi nếu giao cho Bộ Công Thương thì sẽ tạo nên tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Anh sắm rất nhiều vai, những vai này có thẩm quyền giám sát nhau, như vậy khó bảo đảm yếu tố khách quan. Từng có cuộc họp với một số DN xăng dầu mà Bộ Công Thương chủ trì, một lãnh đạo bộ lại đứng ra biện minh, giải thích hộ DN là không phù hợp vì Bộ Công Thương thực hiện vai trò quản lý nhà nước, vai trò chủ quản chứ không phải giám sát thị trường. T.Dũng ghi
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM):
Quy trách nhiệm để bội chi
Tôi rất lo lắng với con số 2 triệu tỉ đồng nợ công của đất nước. Bội chi ngân sách cứ tăng hoài, lấy đâu tiền trả nợ? Quyết toán ngân sách năm 2012 có tới 20/34 tỉnh - thành chi quản lý hành chính vượt 30% dự toán. Ngoài ra, con số bội chi năm 2012 cũng rất lớn, dự toán là 140.200 tỉ đồng nhưng khi quyết toán là 154.126 tỉ đồng, tức tăng thêm 13.000 tỉ đồng. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện nghiêm khắc kỷ luật tài chính, sửa luật ngân sách để gắn trách nhiệm của các địa phương với các khoản thu, chi của mình. B.Trân ghi
Bình luận (0)