Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết tính đến nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Quốc phòng đã cấp phép cho 6 hãng hàng không kinh doanh chung gồm: Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Công ty CP Hàng không Hải Âu, Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt, Công ty CP Hàng không Hành tinh xanh, Công ty CP Hàng không Bầu trời xanh và Công ty CP Hàng không Global Trans.
Hàng không chung được ví như hoạt động vận tải taxi trên đường bộ với đặc điểm thuận tiện, linh hoạt, hành khách có thể bay theo yêu cầu thay vì phải mua vé máy bay đi theo tuyến cố định như vận tải hàng không công cộng. Loại hình này xuất hiện trên thế giới từ rất lâu nhưng chỉ có ở Việt Nam từ năm 2014, với đơn vị kinh doanh đầu tiên là hãng hàng không Hải Âu.
Thế nhưng, hoạt động của Hải Âu đang gặp rất nhiều khó khăn sau gần 2 năm cất cánh. Với 3 chiếc thủy phi cơ, năm 2015, hãng hàng không này chỉ khai thác được 700 giờ bay, chưa bằng công suất của 1 máy bay. Hãng đã phải cho thuê 2 máy bay do dư thừa công suất nghiêm trọng.
Sang năm 2016, thị trường có bước phát triển tốt hơn, 2 trong số 3 máy bay của hãng Hải Âu được hoạt động hết công suất với mức tăng trưởng hành khách khoảng 60%. Ngoài tuyến bay ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ Hà Nội, tuyến TP HCM - Phan Thiết, Hải Âu đang khẩn trương xúc tiến việc mở tuyến bay mới tại Ninh Bình và Nha Trang để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ GTVT đang bắt tay xây dựng thông tư hướng dẫn hoạt động khai thác thủy phi cơ. Trong đó, có những vấn đề lần đầu tiên được đặt ra như hình thành sân bay chuyên dùng trên mặt nước; bãi cất/hạ cánh trên mặt nước; quy định về việc ra/vào cảng biển, bến thủy nội địa; bảo đảm an ninh, an toàn bay thủy phi cơ...
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề nan giải của hoạt động kinh doanh thủy phi cơ hiện nay là phương thức điều hành bay. Theo thông lệ quốc tế, thủy phi cơ hoạt động ở tầm bay thấp, ngoài đường hàng không, phi công bay bằng mắt. Thế nhưng, tại Việt Nam, thủy phi cơ vẫn phải bay vào đường hàng không vì vướng hoạt động quốc phòng. Vì thế, các chuyến bay của thủy phi cơ đều phải bay vòng, thời gian dài gấp đôi so với bay thẳng, phát sinh thêm chi phí khai thác cho nhà vận chuyển và kém hấp dẫn đối với hành khách.
Vấn đề này sẽ được giải quyết khi Bộ GTVT có quy định hướng dẫn phương thức bay, điều hành, hỗ trợ thông tin liên lạc tại mỗi khu vực và loại không phận. Mới đây, Bộ GTVT đã đồng ý với đề xuất của Hải Âu về việc kéo dài thêm 1 năm giảm phí cất, hạ cánh cho doanh nghiệp, mức giảm là 50%.
Bình luận (0)