Cuối tuần qua Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam. Theo đó, cơ quan này sẽ tiến hành điều tra vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.
Sau khi kết thúc điều tra chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 16-5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ việc Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam. Kết quả điều tra cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%, có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.
Grab bị điều tra chính thức vì có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh
Theo TS-LS Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP HCM), với kết quả điều sơ bộ Grab sáp nhập Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50% thì đó là hành vi chiếm lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh và chắc chắn Bộ Công Thương sẽ có kết luận việc sáp nhập này có hợp pháp hay không.
Riêng việc Uber còn nợ thuế trước khi sáp nhập Grab (hơn 53 tỉ đồng), ông Tín cho rằng hợp đồng sáp nhập giữa Uber và Grab chắc chắn phải có thỏa thuận về nghĩa vụ thuế. Do đó, sau khi có kết quả điều tra chính thức, nếu thị phần của Grab trên 30% thì Grab phải báo cáo mọi thông tin sáp nhập Uber với cơ quan chức năng, kể cả nội dung nợ thuế.
Trên cơ sở đó và tùy thuộc vào thỏa thuận về thuế giữa Uber và Grab, cơ quan thuế sẽ xác định Grab phải nộp số thuế mà Uber còn nợ hay Uber phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế. Còn trường hợp Bộ Công Thương xác định thị phần phần kết hợp của Grab trên 50% là chiếm lĩnh thị trường thì bộ này sẽ kết hợp với các bộ ngành khác để không công nhận việc Grab sáp nhập Uber tại Việt Nam. Khi đó, cơ quan thuế chỉ còn phương án phối hợp với các cơ quan chức năng khác truy thu thuế Uber.
Đề cập vấn đề này, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết nhiều tháng trước, cơ quan thuế đã có văn bản "cảnh báo" Grab về việc Cục thuế TP hết sức quan tâm đến số thuế mà Uber đang còn nợ. Bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi hoàn tất sáp nhập, Grab có trách nhiệm kế thừa các nghĩa vụ về thuế thay cho Uber.
Trước đó, đại diện Grab Việt Nam khẳng định không có liên quan đến nợ thuế của Uber bởi Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ thuế.
Trong một diễn biến khác, đại diện chủ sở hữu ứng dụng gọi xe MVL (Singapore) cho hay trong tháng 6 tới sẽ thí điểm triển khai ứng dụng này tại Việt Nam (tháng 7 sẽ triển khai chính thức) dưới hình thức một công ty công nghệ, ban đầu tại TP HCM, sau đó là Hà Nội và Đà Nẵng.
MVL sẽ là ứng dụng dịch vụ giao thông được phát triển bởi công nghệ blockchain đầu tiên tại Việt Nam. Điểm đặc biệt của MVL so với các ứng dụng gọi xe khác là tài xế sẽ không bị tính phí hoa hồng trên tất cả chuyến đi, MVL chỉ tính một lượng phí giao dịch không đáng kể nhằm duy trì nền tảng.
Thay vào đó, ứng dụng này sẽ tạo doanh thu bằng cách dựa vào hoạt động liên kết dịch vụ với bảo hiểm, bán quảng cáo, dữ liệu...
Với MVL, khách thanh toán bằng tiền mặt sẽ không bị cộng thêm phí, nếu thanh toán bằng thẻ sẽ bị trừ phí dao động từ 3%-4% giá cước. Vị đại diện này cho biết các thủ tục đăng ký hoạt động tại Việt Nam đang được hãng gấp rút thực hiện.
Ngoài ra, theo những thông tin bên lề thì ứng dụng Go-Jek đến từ Indonesia có thể sớm được triển khai ở Việt Nam.
Bình luận (0)