Ngày 10-6, khảo sát tại một số ngân hàng (NH) TMCP, lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên có mức giảm mạnh nhất, các kỳ hạn còn lại cũng được điều chỉnh giảm nhẹ.
Thừa vốn
Ngày 9-6, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Hiện mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 5%/năm, kỳ hạn từ 2-9 tháng lần lượt từ 5,1%/năm đến 5,9%/năm. Ở lần điều chỉnh này, lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng đã giảm từ 6%/năm xuống còn 5,9%/năm. Mức giảm khá mạnh là các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 60 tháng, khi lãi suất lùi sâu về chỉ còn 7%/năm.
Hiện mức lãi suất tiền gửi thấp nhất được khối các NH thương mại nhà nước áp dụng là 5%/năm. Nhân viên NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM cho biết lần điều chỉnh gần nhất của NH là cuối tuần trước, khi lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 7,5%/năm còn 7%/năm. “Nếu khoảng 1 tháng trước, chị gửi tiết kiệm kỳ hạn dài lãi suất vẫn còn khoảng 8%/năm, nay chỉ còn 7%/năm. Khối các NH thương mại nhà nước đều đồng loạt giảm về mức này” - nhân viên này cho biết.
Ở khối các NH TMCP, các NH như Eximbank, Sacombank, ACB… cũng áp dụng chính sách giảm lãi suất đầu vào. Từ cuối tháng 5, Eximbank áp dụng biểu lãi suất mới, theo hướng giảm thêm lãi suất tiền gửi. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng là 5,7%/năm, từ 4-5 tháng là 5,98%/năm. Ở kỳ hạn dài, lãi suất tiền gửi cao nhất là kỳ hạn từ 24-60 tháng cũng chỉ 7,8%/năm.
Khi NH điều chỉnh lãi suất, khoảng cách giữa lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài đã thu hẹp đáng kể, khách hàng cũng ưu tiên lựa chọn gửi tiền kỳ hạn từ 3-6 tháng. Sau lần hạ trần lãi suất huy động về mức 6%/năm của NH Nhà nước vào giữa tháng 3-2014, đến nay, các NH thương mại đã nhiều lần hạ lãi suất đầu vào trong bối cảnh tín dụng tăng chậm. Thống kê của NH Nhà nước cho thấy đến ngày 23-5, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm ngoái. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục bảo đảm nhưng tín dụng ra nền kinh tế đến gần cuối tháng năm mới chỉ tăng 1,31% so với cuối năm.
Chờ giảm thêm lãi suất cho vay
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết huy động tiền gửi tăng trưởng tốt, trong khi tín dụng ra chậm buộc các NH phải giảm lãi suất đầu vào để tiết giảm chi phí. Nhất là khi xu hướng hạ lãi suất cho vay còn tiếp tục. Trước đây, các NH muốn tăng nguồn vốn huy động trung dài hạn (từ 12 tháng trở lên) nhưng nay có thể thị trường đã ổn định, thanh khoản dồi dào nên NH giảm lãi suất kỳ hạn dài.
Phó tổng giám đốc một NH thương mại nhà nước cho rằng các NH thương mại đang huy động rất tốt nhưng tín dụng âm liên tiếp trong nhiều tháng đầu năm khiến vốn bị ế. Ở một số NH, tỉ lệ cho vay/huy động khá thấp chỉ khoảng 60% cho thấy sử dụng vốn không hiệu quả, vốn dư thừa rất lớn. Và giảm lãi suất là một trong các biện pháp để tiết giảm chi phí đầu vào, giúp sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Việc các NH điều chỉnh lãi suất đầu vào là tín hiệu tích cực. Với mức lãi suất tiền gửi khoảng 4%-5%/năm ở các nước còn cao nhưng với điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam là bình thường và khi lạm phát được kiểm soát sẽ kích thích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhiều hơn.
Mức lãi suất cho vay từ 7%-10%/năm được cho là phù hợp và sẽ kích thích người dân mạnh dạn đầu tư, sản xuất kinh doanh. Hiện các lĩnh vực có tiềm năng đẩy tín dụng gồm cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu và xây dựng bất động sản…
Không lo tiền chảy sang kênh khác
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nếu tiền từ kênh NH chảy sang các kênh khác như bất động sản, doanh nghiệp chuyển sang huy động vốn từ kênh chứng khoán hoặc dùng tiền gửi NH rút ra đầu tư cho sản xuất, kinh doanh là rất tốt. Lâu nay, nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào thị trường NH nên khi lãi suất tăng cao gặp rất nhiều rủi ro.
Bình luận (0)