Theo báo cáo, UBND TP Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các dự án có tổng chiều dài 417,8 km, trong đó 342,2 km cầu cạn và 75,6 km đi ngầm. Tổng mức đầu tư các dự án này dự kiến khoảng hơn 40 tỉ USD, chia thành 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần khoảng 7,55 tỉ USD, từ năm 2021 đến 2025 cần khoảng 7,613 tỉ USD.
Hà Nội có kế hoạch triển khai nhiều dự án đường sắt đô thị. Trong ảnh: Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông Ảnh: Nguyễn Hưởng
Bộ GTVT làm chủ đầu tư 2 dự án. Trong đó, tuyến số 2A Cát Linh - Ngã tư Sở - Hà Đông dài 14 km, sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc đã bị đội vốn và chậm tiến độ nhiều năm. Dự án này đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp, dự kiến vận hành thử cuối năm 2017 và đưa vào khai thác đầu năm 2018.
Bộ GTVT cũng là chủ đầu tư dự án tuyến số 1, nhánh 1 từ Ngọc Hồi - ga trung tâm Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên dài 26 km, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Tuyến đường sắt này đã cơ bản hoàn thành thiết kế kỹ thuật của giai đoạn 1.
Trong các dự án do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, 3 dự án gồm tuyến số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) dài 5,9 km, tuyến số 3 giai đoạn 2 (ga Hà Nội - Yên Sở - Hoàng Mai) dài 7,3 km và tuyến số 8 (Hoài Đức - Mai Dịch) đã triển khai lập báo cáo tiền khả thi; có dự án thực hiện được khoảng 30% khối lượng xây lắp. Các dự án còn lại đều chưa triển khai.
Vấn đề quan trọng là vốn đầu tư, Hà Nội đề xuất Chính phủ 2 phương án. Một là, ưu tiên bố trí vốn ODA thực hiện các dự án có kế hoạch đầu tư từ nay đến năm 2020, từ năm 2020-2025 và những năm tiếp theo. Hai là, chỉ bố trí vốn ODA cho 2 dự án tuyến số 2 (1,241 tỉ USD) và tuyến số 3 (1,003 tỉ USD). UBND TP Hà Nội cho biết chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một số nhà tài trợ khác đang mong muốn rót vốn cho 2 dự án này. UBND TP Hà Nội cam kết bố trí vốn đối ứng để thực hiện dự án.
Các dự án còn lại sẽ thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đến nay, 5 nhà đầu tư trong nước đạ đăng ký đầu tư, gồm Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP Lũng Lô, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Mik Việt Nam. Hai nhà đầu tư nước ngoài cũng "xếp hàng" là Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và Công ty Mosmetrostroy (Nga). Tuy nhiên, Hà Nội sẽ ưu tiên nhà đầu tư trong nước tham gia các dự án.
Hà Nội xin cơ chế bổ sung quy hoạch sử dụng đất 6.000 ha để có khoảng 300.000 tỉ đồng tổng giá trị tiền sử dụng đất đầu tư vào các dự án. Ngoài ra, TP còn có nguồn vốn từ bán đấu giá, cho thuê quỹ nhà đất chuyên dùng... (khoảng 15.000 tỉ đồng).
Để đẩy nhanh tiến độ, Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị.
Bình luận (0)