Theo nhận định của Chi cục Quản lý Thị trường TP HCM, trong quý I/2014, hàng giả xuất xứ, giả nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường vẫn diễn biến phức tạp, phần lớn giả các nhãn hiệu nổi tiếng, xuất xứ Trung Quốc, bán giá rẻ, để lẫn với hàng thật tại các cửa hàng kinh doanh cố định.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Chị Nguyễn Thị Vân (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết mới mua 25 gói bột ngọt của một thương hiệu có tiếng với giá 23.000 đồng/gói, loại 400 g từ một tiệm tạp hóa gần nhà. Đến khi về nhà, con gái chị quan sát thấy có kiến đen chết bên trong một gói bột ngọt, nghi số bột ngọt này là giả. “Đem xuống cửa hàng, chủ cửa hàng săm soi một lúc rồi nhận lại số hàng đã bán, trả tiền” - chị Vân kể.
Theo lời chủ cửa hàng, có một nhân viên tự xưng là người của công ty bột ngọt đến chào hàng, do là hàng tuồn ra từ công ty nên giá rẻ hơn giá thị trường (giá thị trường 28.000 đồng/gói, 400 g). Đến khi khách hàng “bắt đền” thì chị ta mới biết bị đối tượng mạo danh nhân viên công ty lừa bán hàng giả. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường liên tục bắt được hàng tấn bột ngọt giả thương hiệu các loại từ Trung Quốc tuồn về Việt Nam tiêu thụ.
Theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, có khách hàng mua một chiếc võng xếp về dùng 2 hôm đã bị gãy. Đến nơi mua thì họ chối việc đã bán nên mang đến hội khiếu nại. “Đây chắc chắn là võng giả vì nếu hàng thật, cửa hàng đã gọi nhà sản xuất đến giải quyết. Do mua hàng không lấy hóa đơn nên trường hợp này, hội không hỗ trợ được gì!” - bà Thu nói.
Doanh nghiệp “chết dở”
Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng (chuyên sản xuất quần áo trẻ em), ông Lý Thành Sinh, cho biết cách đây không lâu, tại một hội chợ ở huyện Gò Quau, tỉnh Kiên Giang, cơ sở làm hàng giả thuê hẳn một gian hàng trong hội chợ, treo biển Công ty Minh Long Hưng, băng rôn giới thiệu… nhưng lại bán hàng giả. Bức xúc, ông Sinh gửi văn bản kiến nghị đến Sở Công Thương, Chi cục QLTT và các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang nhưng không nhận được phản hồi. “Hàng giả được sản xuất, gia công tại TP HCM rồi phân phối đi các tỉnh, thành. Chúng tôi biết nhưng không thể ngăn chặn” - ông Sinh nói.
Còn ông Nguyễn Hữu Chí, Giám đốc điều hành Công ty TNHH SX TM nhựa Chí Thành V.N, than thở do mũ bảo hiểm giả (các loại mũ có kiểu dáng tương tự) tràn lan đã khiến doanh số của doanh nghiệp (DN) giảm đến 80% so với thời điểm tháng 3-2013. Trước đây, DN mở 6 cửa hàng tại TP HCM để bán lẻ nón bảo hiểm cho người tiêu dùng nhưng nay phải đóng cửa 4 điểm do không cạnh tranh nổi với hàng giả kém chất lượng, rẻ tiền.
Theo ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Thắng Lợi, DN rất nản lòng trong cuộc chiến với hàng giả. Nhiều sản phẩm của Thắng Lợi bị làm giả, bán tràn lan với chất lượng kém và giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm thật. Một số cửa hàng còn treo biển, lấy tên công ty như đại lý bán hàng chính thức, gây ảnh hưởng đến thương hiệu gầy dựng nhiều năm trời… “Nạn hàng giả ngày càng phổ biến. Trong khi ở nước ngoài có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng chống hàng giả được áp dụng chặt chẽ, bảo hộ nghiêm ngặt thì trong nước, các giải pháp không mấy hiệu quả” - ông Hòa bức xúc.
Kỳ tới: Chật vật chống đỡ
Ngán hàng giả từ Trung Quốc
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, hàng giả do trong nước sản xuất không lo mà ngán nhất là hàng giả từ Trung Quốc. Các đối tượng chỉ cần đặt hàng vài ngày với số lượng lớn lúc nào cũng được đáp ứng, thậm chí có cả DN Trung Quốc vào Việt Nam núp bóng người Việt mở công ty để sản xuất hàng giả. “Cách đây không lâu, có đối tượng người Trung Quốc đến tìm một DN chào bán máy tính bảng. Họ đưa cho xem một máy tính bảng hoàn chỉnh nhưng không có nhãn hiệu, nếu DN thỏa thuận được giá, họ sẽ cung cấp số lượng lớn và dán nhãn… bất kỳ thương hiệu nào!” - ông Hưng kể.
Bình luận (0)