Trưa 20-8, lượng người đổ về các siêu thị, cửa hàng, chợ… mua gom thực phẩm tăng đột biến sau khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM công bố "Ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 23-8.
Tái diễn tình trạng đổ xô đi mua hàng
Hơn 11 giờ, các siêu thị tái diễn tình trạng lượng khách tập trung đông tương tự thời điểm đầu tháng 7, khi TP HCM có thông tin giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Bên trong khu vực mua sắm, ai nấy đều mua số lượng lớn thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô để dùng trong nhiều ngày.
Tại các cửa hàng Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+, Bách Hóa Xanh..., dù giữa trưa nắng gắt nhưng nhiều người vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ mua sắm.
Theo ước tính của một số siêu thị lớn, đến đầu giờ chiều, lượng khách đã tăng gấp 3-4 lần so với những ngày trước. Trước áp lực mua sắm tăng đột ngột, các siêu thị, cửa hàng đã triển khai nhiều giải pháp để vừa kiểm soát lượng khách vào mua sắm cùng thời điểm vừa bảo đảm nguồn hàng hóa được cung ứng liên tục.
"Chúng tôi triển khai phân luồng, hướng dẫn người dân bảo đảm giãn cách. Về hàng hóa, hệ thống đã chuẩn bị phương án tăng cường 300% các mặt hàng thịt, rau xanh, thực phẩm thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân. VinMart/VinMart+ khuyến cáo khách hàng bình tĩnh, tuân thủ các quy định phòng chống dịch khi tham gia mua sắm" - ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc Vận hành VinMart miền Nam, cho biết.
Các siêu thị tại TP HCM đón lượng khách tăng gấp 3-4 lần bình thường trong ngày 20-8
Hệ thống MM Mega Market cũng ghi nhận lượng khách tăng cao so với những ngày trước, giá trị giỏ hàng cũng tăng cao so với ngày thường. "Hầu hết khách hàng tập trung mua rau củ quả, thịt, cá, thực phẩm khô, nước tẩy rửa - vệ sinh cùng một số loại nhu yếu phẩm. Trung bình, hóa đơn mua hàng trị giá từ 1,8 triệu đồng trở lên trong khi ngày thường chỉ quanh mức 1,2 triệu đồng. MM Mega Market vẫn đang thực hiện nghiêm giãn cách, cho khách vào mua theo từng đợt và sẽ đóng cổng chính tạm thời nếu bên trong khách đông nhằm bảo đảm an toàn cho khách hàng và nhân viên siêu thị" - đại diện hệ thống MM Mega Market cho hay.
Tương tự, tại các siêu thị, cửa hàng khác, người tiêu dùng cũng tập trung mua thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng, rau củ quả cùng nhiều mặt hàng lương thực khô mì, miến, bún, hàng đông lạnh, sữa…. Theo AEON Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ tăng đột ngột đã làm phát sinh tình trạng thiếu hàng cục bộ trong một số thời điểm và khách hàng xếp hàng dài để chờ thanh toán. Ngay lập tức, AEON Việt Nam đã thực hiện giới hạn số lượng khách, sắp xếp khu vực ngồi chờ, phân luồng cửa ra/ vào để bảo đảm giãn cách. Đồng thời, bộ phận kho của siêu thị liên tục bổ sung hàng hóa lên kệ.
Cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân
Tại buổi họp báo ngày 20-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cho biết TP HCM tiếp tục tăng cường, nâng cao một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 23-8. Thành phố sẽ tập trung 5 nhóm giải pháp chính, trong đó giải pháp thứ 5 là bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư và đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện "5K + vắc-xin + thuốc uống", không tập trung thu gom hàng hóa thực phẩm.
Dù vậy, theo dự đoán của giới kinh doanh, lượng khách hàng và nhu cầu mua sắm sẽ tiếp tục tăng cao trong 2 ngày cuối tuần. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ đã chủ động phương án tăng thêm trữ lượng nhập hàng và nguồn dự trữ, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho hay Saigon Co.op đã nhanh chóng điều phối, bổ sung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô… ngay trong ngày 20-8. Đồng thời, tăng cường hàng hóa về siêu thị, cửa hàng và chuẩn bị các gói combo bảo đảm lương thực - thực phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cơ bản của người dân trong những ngày tới. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này của nhà bán lẻ là kết nối, làm việc với nhà cung cấp để tập trung hàng hóa cho TP HCM. Kế hoạch của Saigon Co.op là dự trữ càng nhiều càng tốt tại kho trung tâm và các kho hàng tại từng quận, huyện, TP Thủ Đức.
Ông Đinh Quang Khôi, Trưởng Phòng Marketing MM Mega Market Việt Nam, khẳng định đã tăng lượng đặt hàng, dự trữ các loại rau củ quả tăng gấp 3 lần so với cao điểm thị trường hồi đầu tháng 7. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hình thức bán hàng trực tuyến, cố gắng đưa hàng đến người tiêu dùng nhanh nhất có thể.
Theo DN bán lẻ, nguồn hàng từ các tỉnh, thành có thể cung ứng cho TP HCM rất dồi dào nhưng khâu vận chuyển vẫn còn gặp khó khăn do TP HCM cùng nhiều địa phương khác đang thực hiện giãn cách xã hội. Hầu hết DN đều đang thiếu lao động trầm trọng nên ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, sắp xếp kinh doanh.
Sốt ruột chờ hướng dẫn cụ thể
Đại diện một số DN sản xuất, kinh doanh và phân phối cho biết đang rất bị động trong việc chuẩn bị kế hoạch sản xuất, kinh doanh sau ngày 22-8. "Đến chiều 20-8 vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể đối tượng nào, ngành nghề nào được hoạt động và cách thức di chuyển, vận hành thế nào nên DN rất lúng túng" - giám đốc 1 DN sản xuất thực phẩm lớn bày tỏ.
Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, trong khi chờ sở, ngành có hướng dẫn cụ thể, ban lãnh đạo công ty đã họp bàn lên kế hoạch cho một số tình huống để không quá bị động trong hoàn cảnh mới. Về lượng hàng cung cấp ra thị trường thì hoàn toàn yên tâm vì công ty sẽ huy động công suất tối đa. Tuy nhiên, công ty lo lắng về việc vận chuyển trứng gà/vịt từ các tỉnh về thành phố và từ nhà máy đến nơi tiêu thụ. Mỗi sáng, trụ sở công ty và 6 chi nhánh tại thành phố giao hàng cho hơn 1.000 điểm trên địa bàn nên rất cần phương án dự phòng cho mọi tình huống. Công ty sẽ điều động một số xe tải nhỏ ở các chi nhánh ở tỉnh về TP HCM, làm thủ tục xin cấp mã QR để đi theo "luồng xanh" giao hàng cho các điểm bán trong trường hợp thành phố hạn chế xe máy lưu thông, giao hàng.
Bình luận (0)