Báo cáo chỉ ra rằng ở giai đoạn đầu của dịch Covid-19, người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu cắt giảm chi tiêu trong một số lĩnh vực như ngoài hoạt động gia đình và các mặt hàng xa xỉ, để chuyển trọng tâm sang nhu cầu chính về thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng đóng gói thiết yếu (hàng tiêu dùng nhanh) trong thời gian tự cách ly.
Nhờ đó, trong quý I/2020, chi tiêu cho mặt hàng tiêu dùng nhanh đã tăng trưởng 2 con số, chủ yếu do sự tăng vọt bất thường trong 8 tuần đầu tiên của Covid-19, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Người dân tăng cường mua thực phẩm tiêu dùng nhanh và các thực phẩm tươi sống qua mạng trong mùa dịch. Ảnh: Hoàng Triều
Cũng trong thời gian này, người tiêu dùng tiếp tục thay đổi hành vi mua sắm, có khả năng hình thành thói quen mới. Theo đó, người dân thành thị thực hiện những chuyến đi mua sắm với nhiều mặt hàng hơn để hạn chế đi lại. 4 nhóm hàng hóa tiêu thụ mạnh trong giai đoạn này là nhu yếu phẩm, thực phẩm tiện lợi, sản phẩm tăng cường sức khỏe và vệ sinh. Trong khi đó, đồ uống thưởng thức và đồ uống có đường lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất (cụ thể là bia, nước ngọt có ga và trà pha sẵn) vì lượng tiêu thụ rất chậm.
Cũng theo Kantar, xu hướng bán hàng đa kênh (omnichannel) được tăng cường hơn trong đại dịch. Nhiều người trước đây chưa từng mua các sản phẩm tiêu dùng nhanh cũng bắt đầu thực hiện những giao dịch đầu tiên của họ.
Về mặt mua sắm trực tuyến, các giao dịch hàng tiêu dùng nhanh gia tăng từ các kênh bán hàng trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Trong đó, Facebook là kênh bán hàng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất để mua các mặt hàng tiêu dùng nhanh, tiếp theo là Shopee. Cả hai đều ghi nhận mức tăng trưởng ba chữ số.
Bình luận (0)