Theo đó, mức phụ thu áp dụng trên một số chuyến bay chia làm 2 nhóm: nhóm 1 từ đầu Hà Nội đi TP HCM, Nha Trang, Phú Quốc… phụ thu 200.000 đồng/chặng; nhóm 2 chặng ngắn hơn là từ Hà Nội đến Đà Nẵng, Đồng Hới… hoặc từ TP HCM đến Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc với mức phụ thu 150.000 đồng/chặng. Vé máy bay khởi hành trong giai đoạn cao điểm hè từ ngày 12-6 đến 10-8 phải tính thêm phụ thu và có hiệu lực đối với vé xuất bán từ cuối tháng 5.
Chủ trương này lập tức bị không ít doanh nghiệp lữ hành phản ứng vì việc thu phụ phí tương đương mức tăng 10% giá vé máy bay sẽ gây khó cho doanh nghiệp lữ hành (với những tour khách đã đặt vé) và gián tiếp tăng giá vé của khách mua tour. Điều này khiến du khách có sự cân nhắc giữa tour nội địa và nước ngoài, nhất là trong bối cảnh tour ngoại đang tăng cường giảm giá.
Lập luận của Vietnam Airlines về chính sách thu phụ phí là do chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên trên thực tế, lượng khách đi lại tăng đột biến cũng giúp doanh thu, lợi nhuận của hãng tăng theo.
Mức tăng chi phí không thể bằng mức tăng của doanh thu từ bán vé. Ở nước ngoài, du lịch chỉ có 2 mùa thấp điểm và cao điểm. Còn trong nước, du lịch vào dịp lễ, Tết, cao điểm hè là thỏa sức tăng giá, “chặt chém”.
Thời gian gần đây, ngành du lịch trong nước gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều thị trường. Nhiều nước vào tận “sân nhà” để xúc tiến du lịch, mời gọi khách Việt đi tour ngoại với mức giá hấp dẫn nhưng chất lượng dịch vụ không đổi.
Các công ty du lịch còn đứng ngồi không yên khi một trong các thị trường khách trọng điểm là Trung Quốc bị sụt giảm mạnh, Thái Lan biến động chính trị khiến hàng loạt tour bị hủy.
Khó khăn, nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ như vận chuyển, nhà hàng, khách sạn chủ động giảm giá để kích cầu, hợp tác với công ty lữ hành để quảng bá, lấy lại hình ảnh cho du khách. Thế nhưng, trong cái “bắt tay” này, ngành hàng không mà cụ thể là Vietnam Airlines, lại đứng “ngoài cuộc”.
Bình luận (0)