Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng Dự thảo kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1 dự kiến áp dụng từ 5-10 tới, hiện đang gửi để lấy ý kiến của các địa phương thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động.
Hàng không tăng cường bảo dưỡng máy bay trước ngày nối lại bay nội địa- Video: VNA
Bộ Giao thông vận tải hôm 30-9 đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức vận tải hành khách sau thời gian dài bị "đóng băng" do Covid-19, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, Bộ yêu cầu các máy bay của các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung được phép hoạt động khi đang được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép và duy trì giám sát an toàn bay theo quy định của Bộ về Quy chế an toàn hàng không.
Các máy bay phải đảm bảo năng lực khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa được giám sát theo Giấy chứng nhận người khai thác máy bay được Cục Hàng không Việt Nam cấp.
Đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19; phải được trang bị dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế; phải được vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi chuyến bay.
Ngày 4-10, Vietnam Airlines cho biết đội máy bay của hãng đã sẵn sàng cho việc nối lại nhiều đường bay nội địa vào đầu tháng 10.
Các máy bay đều được kiểm tra kỹ thuật và bảo dưỡng kỹ lưỡng trước khi cất cánh nhằm bảo đảm an toàn bay. Trong đó, kiểm tra, bảo dưỡng động cơ máy bay là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trong thời gian nằm sân vì ảnh hưởng của đại dịch, các máy bay đều được bọc động cơ bằng vải bạt. Mục đích để ngăn ngừa các vật thể lạ bay vào trong động cơ.
Bạt che động cơ được gỡ bỏ khi máy bay chuẩn bị khai thác trở lại. Các động cơ máy bay sẽ phải trải qua một số công tác kiểm tra, bảo dưỡng và nổ máy thử để đảm bảo tính khả phi (khả năng cất cánh an toàn).
Động cơ máy bay có kích thước rất lớn nên khi di chuyển đi đại tu, phải tách nhỏ thành các phần khác nhau và lắp lại thành khối hoàn chỉnh sau đó.
Những bộ phận khác của tàu bay như lốp, phanh, càng… cũng được kiểm tra tỉ mỉ trước khi tàu bay được đưa vào khai thác.
Trước đó, do tác động của dịch Covid-19, vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, các đường bay quốc tế gần như không hoạt động, những tháng qua đường bay thương mại nội địa cũng dừng, dẫn đến một lượng lớn máy bay thường xuyên nằm ở sân đỗ.
Khi phải dừng khai thác dài ngày, số lượng máy bay cần bảo dưỡng, bảo quản cũng không ngừng tăng lên. Cục Hàng không Việt Nam đã lưu ý với các hãng hàng không cần quan tâm đến vấn đề bảo dưỡng, bảo quản khi máy bay dừng khai thác để bảo đảm an toàn cho vận tải hàng không.
Trong văn bản gửi các hãng hàng không hồi tháng 7, Cục yêu cầu các hãng hàng không, đơn vị thực hiện bảo dưỡng máy bay tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình bảo quản dừng bay. Cụ thể là thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất khi đưa máy bay vào bảo quản và kiểm tra trong quá trình dừng bay. Khi bảo quản dừng bay trong thời gian dài phải thực hiện bịt kín các khe hở bên ngoài máy bay để bảo đảm tránh nước, côn trùng, vật ngoại lai xâm nhập gây hỏng hóc các chi tiết. Tiến hành làm sạch bề mặt, bôi chất chống gỉ bảo vệ bề mặt đường ống thủy lực, các chi tiết trên phanh, bánh xe.
Trong quá trình bảo quản dừng bay, định kỳ hằng tuần phải kiểm tra tăng cường, tháo mở bọc bịt động cơ để thông thoáng, khởi động động cơ phụ và vận hành hệ thống điều hòa. Đồng thời, tăng áp, kiểm tra mức dầu hệ thống thủy lực, thực hiện kiểm tra vận hành hệ thống điều khiển bay. Bảo đảm đầy đủ các hướng dẫn của nhà sản xuất khi đưa máy bay trở lại khai thác.
Bên cạnh đó, nhằm giảm rủi ro khi máy bay phải dừng bay dài ngày, Cục yêu cầu các hãng hàng không thực hiện luân chuyển máy bay khai thác để việc bảo quản dừng bay không quá 1 tháng. Trường hợp máy bay dừng khai thác hơn 1 tháng do hỏng hóc, sự cố, không đủ cấu hình, hãng hàng không phải báo cáo và được Cục chấp thuận. Đây là những quy định cần thiết nhằm bảo đảm tuyệt đối cho an toàn hàng không cũng như giúp phương tiện sẵn sàng khai thác, đón đầu thị trường phục hồi sau khi đại dịch được kiểm soát.
Một số hình ảnh về quy trình bảo dưỡng máy bay trước ngày bay trở lại:
Trong thời gian nằm sân vì ảnh hưởng của đại dịch, các tàu bay đều được bọc động cơ bằng vải bạt.
Mục đích để ngăn ngừa các vật thể lạ bay vào trong động cơ.
Bạt che động cơ được gỡ bỏ khi máy bay chuẩn bị khai thác trở lại.
Các động cơ máy bay sẽ phải trải qua một số công tác kiểm tra, bảo dưỡng và nổ máy thử để đảm bảo tính khả phi (khả năng cất cánh an toàn).
Nhân viên kỹ thuật đang lắp lại (build up) một khối động cơ.
Động cơ trong hình là động cơ phản lực Rolls-Royce của máy bay Airbus A350 thuộc đội bay Vietnam Airlines – một trong những dòng máy bay lớn nhất ở Việt Nam hiện nay với sức tải hơn 300 khách.
Động cơ máy bay có kích thước rất lớn nên khi di chuyển đi đại tu, phải tách nhỏ thành các phần khác nhau và lắp lại thành khối hoàn chỉnh sau đó.
Một số nhân viên khác đang kiểm tra ốc vít và sơn của động cơ máy bay Airbus A350
Kiểm tra dây bảo hiểm của động cơ máy bay Airbus A321, dòng máy bay được khai thác chủ lực trên những đường bay tầm ngắn, tầm trung.
Những bộ phận khác của tàu bay như lốp, phanh, càng… cũng được kiểm tra tỉ mỉ trước khi máy bay được đưa vào khai thác. Các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật trong hình đang tháo phanh, bánh để kiểm tra cấu trúc càng.
Bên cạnh chuẩn bị kỹ thuật đảm bảo an toàn bay, hãng hàng không cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch khi nối lại khai thác, như thường xuyên khử khuẩn máy bay và trang thiết bị mặt đất, phục vụ khăn kháng khuẩn trên chuyến bay…100% người lao động tuyến đầu như phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất của Vietnam Airlines đến nay đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Bình luận (0)