Hôm nay (17-5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với 2.000 doanh nghiệp (DN) để tiếp tục lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng DN về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. Với chủ đề "Đồng hành cùng DN", 274 kiến nghị của DN do Văn phòng Chính phủ cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tập hợp trước thềm hội nghị.
"Lạm phát" thanh - kiểm tra
Một trong những vấn đề được DN nêu đậm nét trong số 274 kiến nghị của DN gửi đến VCCI là vấn nạn thanh - kiểm tra.
Công ty CP Xuất nhập khẩu dịch vụ và Đầu tư cho biết năm 2016 đã tiếp 4 đoàn kiểm tra, gồm UBND huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường và đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh. Các đoàn vào làm việc với nội dung giống nhau là "theo quy định của pháp luật và các văn bản pháp lý liên quan đến các hoạt động từ khi có dự án" và không giới hạn thời gian những năm trước đã kiểm tra rồi. Do đó, thông qua Hiệp hội DN Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, DN này mong muốn Chính phủ loại bỏ sự quản lý chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Hiệp hội DN quận Hải An, TP Hải Phòng kiến nghị Chính phủ triển khai thực hiện nghiêm túc về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN và cho rằng thanh - kiểm tra DN phải đúng quy trình, thủ tục quy định, bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ và tránh tình trạng gây khó khăn, nhũng nhiễu, phiền hà đối với DN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế đất nước diễn ra vào năm 2016 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đối với đặc thù hoạt động của ngành ngân hàng (NH), NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) kiến nghị NH Nhà nước xem xét tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động NH, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trong công tác huy động vốn, cho vay và cung ứng dịch vụ. Đồng thời, đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét phù hợp khi thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của Agribank, giảm thiểu việc hình sự hóa các vụ việc xảy ra trong kinh doanh, quan tâm hỗ trợ Agribank trong quá trình xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ vay.
Trong báo cáo tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu chỉ thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Có DN một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán. Thậm chí có DN phải tiếp trên 10 đoàn, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.
Mất năng lực cạnh tranh vì chi phí cao
Đáng lưu ý, theo VCCI, việc thực hiện kiến nghị giảm chi phí cho các DN như giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistics... vẫn là yêu cầu quan trọng. Trong đó, vấn đề giảm chi phí đầu vào cho DN đã được đặt ra tại nhiều cuộc đối thoại nhưng đến nay, gánh nặng chi phí vẫn là mối lo của người kinh doanh.
Theo VCCI, về cơ bản, chi phí kinh doanh tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore, Malaysia. Cụ thể, chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore; chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines… Đặc biệt, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội (và ngược lại) trong khoảng cách 100 km đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc về Việt Nam.
VCCI cũng nhận diện "thủ phạm" đẩy DN bán lẻ Việt Nam ra bên lề cuộc chạy đua với các đại gia quốc tế là vì chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong nước quá cao. Hầu hết các DN có quy mô trung bình trở xuống tại Việt Nam không có khả năng chi trả để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi nên bị lép vế so với các đối thủ quốc tế mạnh về kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính. "Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam" - VCCI lo ngại.
Ngoài ra, còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển… Có ngành hàng như sản xuất bao bì nhựa chịu ảnh hưởng của mức thuế nhập khẩu mới đối với nguyên liệu đầu vào tăng gấp 3 lần kể từ đầu tháng 1-2017 đã tác động trực tiếp vào cơ cấu giá thành sản phẩm và gián tiếp tác động đến năng lực cạnh tranh của những DN hoạt động trong lĩnh vực này.
Lãi suất "ngoài tầm với"
Tại cuộc đối thoại này, lãi suất tiếp tục là vấn đề nóng mà cộng đồng DN muốn Thủ tướng lắng nghe, tháo gỡ. Có DN thẳng thắn cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ DN, NH giảm lãi suất 1% nhưng chỉ áp dụng 6-12 tháng đầu nên thực chất DN chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách này. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4 (Thanh Hóa) cho biết hoạt động của DN rất khó khăn do lãi suất cho vay của NH đang ở mức cao, tiếp cận vốn vay còn nhiều khó khăn, thủ tục cho vay rườm rà, kéo dài. Phía Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa phản ánh thủ tục vay vốn đối với các DN vừa và nhỏ còn nhiều khó khăn do không đủ tài sản thế chấp, vì vậy một số DN phải huy động nguồn vốn, trong đó có vốn ngắn hạn, vốn cá nhân để sản xuất - kinh doanh nên gặp nhiều rủi ro. Hiệp hội kiến nghị NH Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp hỗ trợ DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn tín dụng.
Cùng với việc kiến nghị sớm có chính sách giảm lãi suất phù hợp, Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng đề nghị NH Nhà nước có chính sách huy động ngoại tệ cho nền kinh tế ổn định và cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu.
Ở góc nhìn toàn cảnh, VCCI đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay ở mức cao. Sau 1 năm kể từ cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2016, lãi suất cho vay bằng VNĐ tiếp tục ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm với ngắn hạn và 9%-10%/năm với trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm với trung và dài hạn. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, giảm trừ thuế, tạo thuận lợi cho DN ổn định đầu tư, phát triển trong thời kỳ khó khăn hiện nay; vận dụng linh hoạt các phương thức bảo đảm tiền vay.
Doanh nghiệp không dám nói thật
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao điều tra chi phí không chính thức mà các DN đang phải trả trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cho biết đang tiếp tục triển khai nghiên cứu độc lập và toàn diện để có bức tranh tổng thể hơn về nội dung này. "Đây là một vấn đề khó định lượng, chúng tôi vẫn đang điều tra, chưa đến thời điểm có kết quả. Thực ra, với chi phí không chính thức, chỉ hỏi được DN có trả không, còn hỏi họ phải trả bao nhiêu lại là việc rất khó, nhiều khả năng DN không dám nói thật" - TS Phạm Thị Thu Hằng chia sẻ.
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 vừa công bố, nhóm nghiên cứu của VCCI cho biết 66% trong số 11.000 DN được hỏi xác nhận có trả loại phí này để được thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc ít ra là không bị "hành". Điều hết sức lưu ý là chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013. Các DN thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất - kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện…
Bình luận (0)