Ngày 8-5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà đã chủ trì buổi họp báo thông tin về hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) năm 2017.
Khoảng 2.000 đại biểu dự trực tiếp
Ông Lê Mạnh Hà thông báo chủ đề của hội nghị năm nay là "Đồng hành cùng DN" diễn ra ngày 17-5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để DN thực sự là động lực phát triển của đất nước. Hội nghị này sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Theo đó, các hiệp hội, DN hiến kế, kiến nghị; bộ ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với DN để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị.
Thủ tục hành chính rườm rà đang ít nhiều cản trở sự phát triển của doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Điểm mới của hội nghị năm nay là tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự kiến, khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016) trực tiếp tham dự hội nghị, trong đó khối DN dân doanh khoảng 1.500, còn lại là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN nhà nước, DN đã cổ phần hóa cùng một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, cơ quan nhà nước... Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng đại biểu DN với 50-100 người mỗi điểm cầu.
Ngay sau hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng và các phó thủ tướng sẽ họp với các bộ ngành, cơ quan liên quan để xem xét, xử lý kiến nghị của DN và có chỉ thị cụ thể để các cơ quan nhà nước thực hiện.
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cũng cho biết để chuẩn bị cho hội nghị đã có 18 bộ ngành, 48 địa phương gửi báo cáo về việc thực hiện các vấn đề nêu trong Nghị quyết 35, các bộ ngành và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang tổng hợp và sẽ có văn bản chính thức, đăng tải công khai để DN, báo chí theo dõi.
Doanh nghiệp bị hành hằng ngày
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc trước thềm hội nghị năm 2016 đã có sự kiện gây chú ý là quán cà phê Xin Chào ở TP HCM với việc lạm dụng hình sự hóa hành vi kinh doanh. Mới đây, sự cố lô thuốc đặc trị ung thư hết hạn phải tiêu hủy mà nguyên nhân là do tắc nghẽn thủ tục hành chính ở quá nhiều cửa, liệu có được đặt ra tại hội nghị lần này?
Cục trưởng Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Hồ Sỹ Hùng cho rằng vụ quán cà phê Xin Chào có sự tắc trách, cứng nhắc trong giải quyết thủ tục hành chính. "Còn vụ việc liên quan đến giải quyết thủ tục cho lô thuốc đặc trị ung thư mà báo chí nêu cũng là điển hình và mong muốn báo chí nêu lại sự việc để có cơ sở xem xét các vụ tương tự. Còn rất nhiều vấn đề nổi cộm như DN bị thanh tra nhiều lần trong năm hay cần tạo niềm tin trong cộng đồng DN… Sự việc này Bộ KH-ĐT không mong muốn nhưng nếu có thì cần quan tâm giải quyết để các cơ quan nhà nước có thái độ nghiêm túc hơn" - ông Hùng nói.
Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà đặt vấn đề về nhận thức của cơ quan nhà nước trong quy định hành chính có bất cập không, có thì giải quyết thế nào? "Vụ lô thuốc tưởng nhỏ mà giải quyết hơn 1 năm ở các cơ quan rõ ràng là không bình thường. Từ sự không bình thường ấy, chúng ta rút ra được bài học gì và giải quyết thế nào" - ông Hà nhấn mạnh.
Cũng vụ việc này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định đây là việc liên quan đến hệ thống hành chính, là hành vi vô cảm, thiếu trách nhiệm. "Đây chỉ là vụ điển hình thôi, còn hành vi đó đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở nước ta với nhiều mức độ khác nhau. Có khi DN như ngồi trên đống lửa vì chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính. Sự chậm trễ có thể dẫn đến DN thua lỗ, phá sản. Nhanh một ngày là DN sống được, chậm một ngày là DN mất hợp đồng, mất đối tác và bị phạt. Có khá nhiều hiện tượng như vậy ở nhiều mức độ khác nhau nhưng vụ lô thuốc đúng là đỉnh cao của hành vi vô cảm, gây tác động rất lớn" - ông Lộc bức xúc.
Ông Lộc kiến nghị cần có biện pháp để đội ngũ công chức làm việc có trách nhiệm hơn với người dân và DN.
Hàng trăm kiến nghị của doanh nghiệp
Ông Vũ Tiến Lộc cho hay trước hội nghị, VCCI nhận được 200 kiến nghị và đã chuyển cho các bộ ngành, địa phương xem xét giải quyết. Kiến nghị tập trung vào các nội dung cụ thể của Nghị quyết 35 như cải cách hành chính, bảo vệ quyền lợi DN… Bên cạnh đó, việc thực hiện kiến nghị giảm chi phí cho DN như giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistics, thủ tục phá sản, giải quyết tranh chấp; thanh tra, kiểm tra... cũng được đề cập.
Bình luận (0)