Theo các doanh nghiệp (DN) trực tiếp cung ứng hàng cho siêu thị, trong mối quan hệ cung - cầu, nhà bán lẻ nắm đằng cán, DN cung ứng nắm đằng lưỡi. Nhà bán lẻ muốn quảng bá thương hiệu, thu hút khách nên cạnh tranh quyết liệt về giá, dịch vụ cộng thêm… và “siết” chiết khấu cao với DN, đẻ ra các hình thức thu khác để bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ ngoại đều hướng tới lợi nhuận và gia tăng phân phối hàng hóa của họ về lâu dài.
Khó thuê vị trí đẹp
Đầu tháng 4, không chỉ khách hàng mà nhiều nhà cung cấp hàng cho siêu thị Metro cũng bất ngờ vì cẩm nang bán hàng của đơn vị này giới thiệu rất nhiều sản phẩm Thái Lan, từ bánh kẹo, thực phẩm đóng gói đến hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình như dụng cụ làm bếp, giấy vệ sinh, đồ nhựa...
Từ cổng vào, Metro dành hẳn khu vực riêng trước đây dùng trưng bày sản phẩm của nhà tài trợ chính hoặc nhà cung cấp phải trả giá rất cao để “xí chỗ” thì nay đầy ắp hàng Thái Lan. Những vị trí tốt, dễ nhìn thấy ở các quầy kệ cũng được ưu tiên dành cho hàng Thái. Hầu như không có nhãn hàng tiêu dùng Việt Nam nào chen vào được, kể cả 2 “ông lớn” trong ngành hóa mỹ phẩm là Unilever và P&G. Dĩ nhiên, những mặt hàng này đang được khuyến mãi đậm.
Thông tin từ hệ thống siêu thị này cho biết giai đoạn này chủ yếu giới thiệu, trưng bày, làm chương trình khuyến mãi để khách hàng dùng thử và làm quen với sản phẩm Thái. Tuy nhiên, nhiều DN cung ứng hàng cho Metro lo ngại sau giai đoạn thử nghiệm, có thể tập đoàn TCC (công ty mẹ của Metro Việt Nam) sẽ tăng thêm số lượng, chủng loại hàng Thái tại đây, đẩy cuộc chiến giành chỗ trên kệ hàng siêu thị này thêm gay gắt.
Không chỉ Thái Lan mà Nhật Bản cũng đang mở chiến dịch đưa hàng Nhật vào Việt Nam thông qua các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Với lợi thế thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng, một khi có được sự tiếp sức của các nhà bán lẻ thì hàng Thái, Nhật sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh các kệ hàng ở siêu thị, tiến sâu vào các cửa hàng tiện lợi, mama shop, tiệm tạp hóa truyền thống… Đến lúc ấy, DN Việt muốn trở tay cũng không kịp.
Ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, cho biết bán hàng vào siêu thị bây giờ rất khó. DN nhỏ dù chịu chi đậm cũng không “giành” lại các DN lớn. Hàng hóa phải ra kệ riêng hoặc ra mặt tiền quầy kệ thì mới bán được hàng nhưng siêu thị dành hết vị trí ưu tiên cho DN lớn, doanh số cao. Nếu hàng hóa bị đẩy vào vị trí khuất thì khách hàng không để ý, không đạt chỉ tiêu doanh số và bị loại ra.
“Kinh doanh thời này vạn người bán, trăm người mua, DN muốn tồn tại phải bám kênh phân phối truyền thống và hiện diện ở kênh hiện đại. Vì DN nào cũng muốn vào siêu thị nên chi phí vào kênh này ngày càng tăng cao, tăng đều mỗi năm, chưa kể các siêu thị liên tục yêu cầu hợp tác làm chương trình khuyến mãi, giảm giá khiến việc bán hàng ở kênh truyền thống bị ảnh hưởng. Kiểu gì DN cũng mệt” - ông Vinh cho biết.
Bỏ chạy vì không chịu nổi chiết khấu
Từng phản ánh tình trạng DN bị làm khó khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị (chủ yếu là siêu thị do DN nước ngoài làm chủ), mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã họp các DN hội viên có cung ứng hàng cho thị trường nội địa và thống nhất sẽ gửi văn bản đến một hệ thống siêu thị được đánh giá là lớn thứ hai tại Việt Nam về việc các DN bị áp mức chiết khấu quá cao và tăng đều hằng năm.
Phó giám đốc một DN chế biến thủy sản khá uy tín tại TP HCM cho biết các siêu thị trong nước áp dụng mức chiết khấu vẫn còn dễ thở, dưới 10% thì các siêu thị ngoại đòi chiết khấu cao ngất ngưởng, có khi lên đến 25% doanh thu. DN không đồng ý thì bị dọa cắt hợp đồng. Không những vậy, mỗi năm hệ thống này còn đòi tăng chiết khấu rất cao. Bản thân DN chị bị đòi tăng chiết khấu thêm 5% cho hợp đồng chuẩn bị ký năm 2016.
Ngoài chiết khấu, DN còn phải chi thêm vài chục triệu đồng (nếu mở mã hàng mới) để đóng góp hỗ trợ các chương trình sinh nhật siêu thị, khuyến mãi giảm giá… của siêu thị. “Giờ nghe nhắc đến tên siêu thị ấy, DN nào cũng nổi da gà. Họ có những khoản chiết khấu rất vô lý. Trên thực tế, tùy mặt hàng, tùy DN mà nhà bán lẻ đề nghị mức chiết khấu khác nhau nhưng kiểu ép chiết khấu trên trời như vậy chẳng khác nào ép DN tự rút lui” - nữ phó giám đốc này cho biết.
Cũng lo ngại vì các siêu thị ngoại đòi chiết khấu cao và tăng đều mỗi năm, bà Ngô Hoàng Mai, Phó Giám đốc Công ty Nước mắm Liên Thành, cho biết mới đây, siêu thị M. đề nghị mức chiết khấu “khủng” đối với mặt hàng nước mắm, đến mức nhiều DN chấp nhận rút hàng về vì chiết khấu cao thì đội giá thành, không cạnh tranh được. Công ty Nước mắm Khải Hoàn sau thời gian bán hàng vào một hệ thống siêu thị của Nhật đã âm thầm rút lui vì không chịu nổi chiết khấu cộng với chi phí khác.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện các nhà bán lẻ ngoại cho biết không có chuyện áp đặt mà tùy DN, tùy ngành hàng, siêu thị sẽ thương lượng mức chiết khấu phù hợp. Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM cuối tháng 2-2016, đại diện các siêu thị nước ngoài tại TP HCM cho biết vẫn ưu tiên phân phối hàng hóa nội địa, sự hiện diện của sản phẩm ngoại - đặc biệt là sản phẩm từ quốc gia của tập đoàn mẹ - chỉ nhằm đa dạng hóa nguồn cung, thêm lựa chọn cho khách hàng.
Vạ lây vì M&A
Không chỉ đau đầu vì chiết khấu khủng, thời gian gần đây, nhiều DN còn bị một số siêu thị “hành” tơi tả. Một số siêu thị ngoại đang trong giai đoạn mới chuyển giao sau mua bán, sáp nhập (M&A) hoặc chuẩn bị M&A, đang trong quá trình tái cơ cấu nên thiếu ổn định về nhân sự, chính sách… cả trong khâu bán lẫn khâu mua. Hậu quả là mỗi bộ phận làm một kiểu, DN đưa hàng vào bị “quần” tơi tả, hàng hóa không được chăm sóc nên doanh thu giảm.
“Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của hoạt động chuyển giao, mua bán siêu thị mà doanh thu từ kênh hiện đại rớt thê thảm, công ty phải tích cực đẩy hàng ra kênh truyền thống để bù vào” - phó giám đốc một DN thực phẩm nói.
Bình luận (0)