xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiến kế vực dậy ngành du lịch sau tổn thất nặng nề

Yến Anh

(NLĐO)- Việt Nam tập trung phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh dừng đón khách quốc tế. Bộ VH-TT-DL đề xuất 4 nhóm giải pháp "cứu" ngành du lịch.

Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển", diễn ra vào ngày 28-11 tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana), có sự tham gia của trên 400 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn..

40-60% lao động mất việc làm, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết giai đoạn 2015-2019, du lịch Việt Nam phát triển vượt bậc. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu, tốc độ tăng trưởng 22,7% mỗi năm. Khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5% một năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015).

Hiến kế vực dậy ngành du lịch sau tổn thất nặng nề - Ảnh 1.

Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, du lịch cũng là ngành chịu tác động bởi nhiều yếu tố, chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19. Khách du lịch nội địa giảm đến 45%, thiệt hại kinh tế nặng nề. Từ tháng 3-2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế cả năm ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỉ đồng (tương đương 23 tỉ USD).

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đòi hỏi toàn ngành phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

4 nhóm giải pháp cứu ngành du lịch

"Thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, ngành du lịch đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh dừng đón khách quốc tế" - ông Hùng cho hay.

Để giải quyết khó khăn, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ VH-TT-DL kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để phục hồi khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Đồng thời, tăng cường đầu tư công cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, cảng biển đón tàu du lịch cỡ lớn, tăng khả năng tiếp cận điểm đến du lịch.

Hiến kế vực dậy ngành du lịch sau tổn thất nặng nề - Ảnh 2.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, du lịch là ngành chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19

Giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành du lịch đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan tích cực tham gia vào các công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, tích cực tham gia vào việc xây dựng chuỗi cung ứng phát triển du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm, đào tạo nhân lực, lồng ghép truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam... Các địa phương quan tâm chỉ đạo việc phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch trên địa bàn, tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư. Bên cạnh đó là đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, hỗ trợ người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch...

Không thể chờ đến khi có vắc-xin mới đi du lịch

Hiến kế vực dậy ngành du lịch, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho rằng vừa phòng chống dịch, vừa ưu tiên đảm bảo sức khỏe cộng đồng là điều kiện tiên quyết của các cơ quan ban ngành trong bối cảnh hiện nay. Cần phải đảm bảo an toàn cho cả ba đối tượng gồm: Du khách, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Theo ông Tài, qua khảo sát của Saigontourist, bên cạnh lo lắng sức khỏe, người dân còn lo lắng về tài chính, làm sao có thể về nhà an toàn, đi đến nơi, về đến chốn. Ông đề xuất các bộ ngành nên có cơ chế kịch bản phối hợp liên tục, liên ngành hay kinh tế vùng. Bởi dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì thế, cần có kịch bản ứng phó kịp thời, kích hoạt ngay nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, chống lây lan, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, phát triển.

Ngoài ra, đại diện Saigontourist đề xuất có cơ chế On/Off, tức tắt mở kịp thời trong mọi tình huống. Ông Tài đồng tình với quan điểm của bà Gloria Guevara - CEO kiêm Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC): không thể chờ đến khi có vaccine mới đi du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam cần "sống chung với lũ", linh hoạt ứng phó với mọi vấn đề có thể xảy đến. Khi dịch bệnh kiểm soát được, ngành du lịch lập tức mở cửa trở lại.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế, khẳng định chuyển đổi số (ứng dụng công nghệ) để phát triển du lịch là một trong những yếu tố sống còn. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, nhấn mạnh việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá. Trong năm 2021, định hướng chuyển đổi số của Vinpearl là tiếp tục tập trung tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng, hoàn thiện các nền tảng số để tăng trải nghiệm trực tuyến cho du khách. Đặc biệt, tập đoàn sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI, Big Data để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách. Qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung.

Tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch

Ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc tập đoàn Sun Group, kiến nghị Chính phủ, Tổng Cục Du lịch và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thiền, phát triển những sản phẩm du lịch mới. Covid-19 đã tạo nên một sự dịch chuyển về xu hướng du lịch. Theo đó, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái... hiện được ưa chuộng. Đồng thời tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch gồm doanh nghiệp - địa phương - Chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương. Từ đó tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và mức giá, thu hút du khách đi du lịch và chi tiêu.

Hiến kế vực dậy ngành du lịch sau tổn thất nặng nề - Ảnh 3.

Các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái... hiện được ưa chuộng

Ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet, cũng chung quan điểm này. Ông Phương khẳng định để hàng không, du lịch cất cánh trở lại, cần có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp hàng không, du lịch. Theo ông Phương, chính sách miễn giảm các loại thuế phí sân bay, dịch vụ hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, các gói tài chính ưu đãi dành cho doanh nghiệp của Chính phủ... sẽ góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp, giúp họ có nguồn vốn tiếp tục hoạt động cũng như đầu tư phát triển.

kyket

Lãnh đạo Hà Nội, TP HCM và 5 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP HCM và 5 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mục tiêu chung là kích cầu du lịch nội địa, góp phần phục hồi du lịch hậu Covid-19, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam so với các nước trên thế giới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo