Ngày 27-11, tại tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM, Hà Nội và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (các tỉnh, thành: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế) với chủ đề "Dòng chảy tinh hoa".
Đủ khả năng phục hồi
Tại diễn đàn, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, cho biết đại dịch Covid-19 diễn ra trong 11 tháng qua và vẫn chưa có thời điểm kết thúc, gây tổn thất nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu và Việt Nam, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong 9 tháng đầu năm, du khách đến TP HCM giảm 58%, trong đó khách quốc tế giảm 81%. "Tác động của dịch Covid-19 đối với du lịch là rất lớn nên các địa phương phải tăng cường và quyết liệt hơn nữa các biện pháp kích cầu. Mỗi địa phương đều có thế mạnh về du lịch; TP HCM có thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, mua sắm; TP Hà Nội có thế mạnh về văn hóa, nghỉ dưỡng; miền Trung có du lịch ẩm thực, biển đảo. Chúng ta có đủ khả năng phục hồi ngành du lịch nước nhà" - ông Liêm khẳng định.
Các đại biểu ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM, Hà Nội và 5 tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: HẢI ĐỊNH
Ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh thêm diễn đàn là tiền đề để tăng cường liên kết hai "đầu tàu" của phía Bắc (Hà Nội) và phía Nam (TP HCM) với các tỉnh miền Trung - nơi có nhiều di sản, để làm bật dậy ngành du lịch, kết nối tinh hoa du lịch như chủ đề đặt ra. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong trạng thái bình thường mới.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng liên kết giữa TP HCM, Hà Nội và 5 tỉnh, thành miền Trung là xuất phát từ nhu cầu phục hồi và phát triển du lịch. Tiềm năng của 5 tỉnh, thành miền Trung đã được khẳng định trong thời gian qua. Nơi đây có lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, đặc tính con người và hội đủ các yếu tố để khôi phục, phát triển du lịch trong tình hình hiện nay. "Trước đây, chúng ta còn hướng đến thị trường khách du lịch quốc tế nên sản phẩm khách du lịch nội địa chưa được quan tâm đúng mức. Giờ là cơ hội để phục hồi thị trường du lịch nội địa. Phải xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với thị trường nội địa" - ông Thanh gợi mở.
Nói về tiềm năng du lịch của các tỉnh miền Trung, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), nhìn nhận đây không chỉ là thị trường nguồn mà còn là điểm đến quan trọng để tăng tỉ lệ khai thác hàng không nội địa. Thời gian qua, Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến tại miền Trung, bao gồm ký kết các biên bản hợp tác ghi nhớ với các tỉnh để mở rộng và phát triển các điểm đến.
Cơ hội để làm mới
Bàn về giải pháp đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, ông Lê Thanh Liêm đề xuất thời gian tới cần phải tăng tỉ lệ khách từ TP HCM và Hà Nội tới các tỉnh miền Trung và ngược lại nhằm khôi phục và ổn định hoạt động. Để làm được điều đó, phải nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi du lịch thân thiện, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) du lịch...
Còn ông Lê Trí Thanh cho rằng TP HCM và Hà Nội là 2 trung tâm chính trị, văn hóa lớn của cả nước, nơi thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, khách du lịch. Quan hệ giữa TP HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành miền Trung lâu nay đã hình thành sự liên kết du lịch nhưng chưa được bài bản, chưa có định hướng lâu dài. Vì thế, qua diễn đàn lần này, gợi mở nhiều hướng liên kết đi vào chiều sâu hơn.
Ông Thanh góp ý: "Mỗi địa phương phải biết khai thác lợi thế của mình, phát huy tính liên kết sản phẩm giữa các địa phương trong vùng mới phát huy được hiệu quả. Có tài nguyên du lịch giống nhau nhưng phải xây dựng các tour du lịch kết hợp để tạo được hiệu ứng, khai thác tốt tài nguyên. Như có nguyên liệu thì phải nghĩ ra cách làm các món ăn mới, phải liên kết cùng nhau xây dựng các sản phẩm mới và hạn chế việc trùng lắp về xây dựng các sản phẩm trước hết dành cho khách nội địa và sau này là quốc tế".
Ông Thanh cũng lưu ý số lượng khách quốc tế giảm sút và dự báo còn kéo dài nên việc thay đổi xu hướng phải đi đôi với cung cấp dịch vụ, trước hết là phải tạo điều kiện cho DN khắc phục khó khăn và làm mới các sản phẩm du lịch.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Trung kiến nghị các cơ quan Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương xây dựng các tiêu chí du lịch an toàn và có bộ tiêu chí cho các công ty lữ hành để bảo đảm cho du khách khi khôi phục các chương trình kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà đầu tư cùng thúc đẩy du lịch, định hướng truyền thông giới thiệu các gói sản phẩm kích cầu. Đối với các hiệp hội du lịch, ông Trung đề xuất cần xây dựng các sản phẩm du lịch kích cầu dựa trên các hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ, các DN lữ hành, các hãng hàng không.
Phát biểu tiếp thu tại diễn đàn, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019-2020, ông Lê Trí Thanh cho biết Hội đồng sẽ nghiên cứu các đề xuất để kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có cơ chế phục hồi hậu dịch Covid-19 linh hoạt khi thị trường nội địa khởi sắc và chuẩn bị đón khách quốc tế.
Theo ông Thanh, các tỉnh, thành cần xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường khách. Các DN du lịch, lữ hành và hàng không phải đồng tâm hiệp lực với chính quyền để vực dậy du lịch. Thời điểm này cũng là thời cơ để rà soát lại nhân lực du lịch, tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực của ngành này.
Để sự liên kết được hiệu quả, ông Thanh đề xuất các địa phương phải giao đầu mối là các sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch để làm việc với các Hiệp hội Du lịch xây dựng kế hoạch từng năm và thảo luận với nhau nhằm thực hiện các kế hoạch.
Bốn nội dung hợp tác
Tại diễn đàn, TP HCM, Hà Nội và 5 tỉnh, thành miền Trung đã ký thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 với 4 nội dung trọng tâm: Quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Với việc liên kết này, các địa phương sẽ trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú; phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch. Chương trình liên kết hướng đến việc lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để giới thiệu cho DN du lịch xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa thông qua việc kết nối với vận chuyển hàng không trong quý IV/2020 và năm 2021.
Cũng tại diễn đàn, tỉnh Quảng Ngãi được trao cờ luân phiên là địa phương tiếp theo đăng cai tổ chức sơ kết và là Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2021-2022.
Hôm nay, diễn ra Hội nghị toàn quốc về du lịch
Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 với chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển" được tổ chức hôm nay (28-11), tại khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, tỉnh Quảng Nam. Sự kiện do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức với sự tham dự của trên 400 đại biểu.
Trong khuôn khổ hội nghị sẽ có các hoạt động như: Diễn đàn liên kết phát triển du lịch Hà Nội, TP HCM và các tỉnh miền Trung; khảo sát xây dựng chương trình kích cầu du lịch kết nối Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và TP Hà Nội, TP HCM; tổ chức đón các đoàn khách đầu tiên theo chương trình kết nối; trưng bày, giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch...
Cũng tại hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận và đề xuất giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau dịch Covid-19; đề xuất mô hình và kinh nghiệm hợp tác, liên kết giữa các nhà đầu tư về quảng bá, xúc tiến du lịch; liên kết giữa ngành hàng không và ngành du lịch. Bên cạnh đó, đại diện các tỉnh, thành như Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, TP HCM... giới thiệu các giải pháp liên kết để tối ưu hóa nguồn lực, liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm tạo động lực mới cho phát triển du lịch.
Dự kiến tại hội nghị này cũng sẽ diễn ra lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP HCM và 5 tỉnh, thành thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Y.Anh
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch:
Đẩy mạnh xã hội hóa
Cam kết giữa các tỉnh, thành lần này được hiểu như là một quyết tâm lớn về chính trị mà 7 địa phương đưa ra để thực hiện. Trong đó, phải tạo ra sân chơi một cách bình đẳng, tạo hệ sinh thái bền vững để các DN đầu tư vào miền Trung - mảnh đất còn nhiều dư địa. Vấn đề lớn là các địa phương cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch, xã hội hóa những lĩnh vực mà nhà nước không chi phối, như vậy du lịch mới cất cánh được.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch luôn ủng hộ, đồng tình và sẽ nỗ lực để cùng các địa phương khôi phục ngành du lịch. Chúng ta phải cùng tìm ra các giải pháp tốt nhất nhằm đưa du lịch "cất cánh", phát triển bền vững.
Ông NGÔ VĂN QUÝ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội:
Tương trợ để cùng có lợi
Hoạt động liên kết giữa 7 tỉnh, thành lần này trên tinh thần tự nguyện, gắn kết, tương trợ, cùng có lợi nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của các địa phương. TP Hà Nội cam kết tạo điều kiện để phối hợp với các tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến du lịch thông qua việc trao đổi, cung cấp thông tin giới thiệu các sản phẩm du lịch và cùng phối hợp đưa vào chương trình xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hà Nội cũng sẽ phối hợp cùng các tỉnh, thành định hướng tổ chức thực hiện các chương trình hoặc nối tour giữa các DN Hà Nội và DN tại các tỉnh, thống nhất triển khai xây dựng các tuyến du lịch liên vùng đặc sắc.
Ông ĐỖ XUÂN QUANG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet:
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Các hoạt động liên kết du lịch vùng là rất cần thiết và chắc chắn sẽ góp phần xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên, vị trí chiến lược.
Việc đẩy mạnh kết nối du lịch giữa hai "đầu tàu" TP HCM và Hà Nội với các tỉnh, thành miền Trung nhằm thu hút khách du lịch và đầu tư trở lại với địa phương, góp phần phục hồi ngành du lịch, kinh tế các địa phương. Đồng thời, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam - điểm đến an toàn với bạn bè quốc tế, sẵn sàng đón du khách trở lại ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Ông TRẦN ĐOÀN THẾ DUY, quyền Tổng Giám đốc Viettravel:
Chú trọng công tác tiếp thị, truyền thông
Trong khuôn khổ hợp tác, cần chú trọng công tác tiếp thị truyền thông giữa hai khu vực TP HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, tập trung 4 vấn đề sau: Một là, truyền thông quảng bá các điểm đến an toàn. Hai là, liên kết xúc tiến quảng bá du lịch cho 5 tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, định kỳ hằng quý tổ chức các chương trình xúc tiến ở TP HCM. Ba là, Sở Du lịch TP HCM và Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch 5 tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung làm đầu mối liên kết các DN lữ hành, hàng không, lưu trú, điểm tham quan... tại địa phương để xây dựng các chương trình kích cầu.
Bốn là, tăng cường hơn nữa vai trò hỗ trợ du khách đối với các trung tâm hỗ trợ du khách đã được thành lập và tiếp tục thành lập trung tâm hỗ trợ du khách tại các tỉnh còn lại.
Bình luận (0)