Chiều 24-4, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có buổi gặp gỡ báo chí định kỳ cập nhật những thông tin về thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT).
Tại đây hiệp hội cũng nêu những vấn đề mà ngành BHNT gặp phải trong thời gian gần đây, cũng như giải đáp những thắc mắc, cam kết phối hợp cùng các doanh nghiệp BHNT để ngành phát triển minh bạch, đặt khách hàng là trọng tâm.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm (HHBH) Việt Nam, cho biết kiên quyết không bao che do các hành vi tư vấn sai. Trong năm 2022 cũng đã có hơn 3.100 người tư vấn bảo hiểm vi phạm về các quy định của ngành và đã bị xử phạt không được hành nghề trong 3 năm. Các vụ việc liên quan đến bảo hiểm đã được khiếu kiện thời gian qua cũng cần cơ quan chức năng xác minh đúng, sai như thế nào để có giải pháp xử lý đúng pháp luật.
Buổi gặp gỡ báo chí
Mức hoa hồng quá cao dành cho đại lý thì được ông Dũng giải thích hoa hồng 40%-50% cho phí năm đầu và 7%-15% cho năm thứ hai được cho là cao nhưng cũng chỉ được vài năm đầu chứ không phải kéo dài. Doanh nghiệp bảo hiểm có chương trình thưởng theo năng suất, kết quả. Doanh nghiệp chỉ trả hoa hồng cho 3-5 năm đầu, nếu phân bố cho cả thời gian dài thì chia ra cũng không phải là cao.
Hiện tại, cả thị trường có 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức, gồm cá nhân lẫn tổ chức. Trong đó, kênh bancassurance đang mang về nguồn thu lớn. Số liệu từ hiệp hội cho thấy trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới.
Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỉ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số.
Điều đáng nói, 36,3% tổng số hợp đồng khai thác mới trong năm 2022 là hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, 21,9% là liên kết đơn vị. Xét về phí, sản phẩm liên kết chung và liên kết đơn vị lần lượt chiếm 51,4% và 20,3%.
Cũng theo ông Dũng để đảm bảo quyền lợi khách hàng phải có sự tham gia từ nhiều phía gồm nhà nước, doanh nghiệp, khách hàng và cả hiệp hội cũng như sớm ban hành nghị định, hoàn thành cơ chế kinh doanh bảo hiểm, nâng cao quyền lợi khách hàng, cơ sở tính phí bảo hiểm, quy định về kiểm soát nội bộ để tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", kể cả việc thông tin công khai cũng phải rõ ràng hơn.
Phó Tổng thư ký hiệp hội còn nêu những khó khăn chung của nền kinh tế cùng những thắc mắc của người dân về BHNT gần đây có thể gây ra một số lo lắng cho khách hàng. Hiệp hội cam kết hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao chất lượng tư vấn, dịch vụ chăm sóc khách hàng để củng cố niềm tin của khách hàng và người dân.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Thực hiện chỉ đạo của Cục quản lý, Giám sát bảo hiểm, hiệp hội đã có những buổi làm việc chặt chẽ với từng bộ phận và kênh phân phối của các công ty BHNT trong thời gian vừa qua và đã có những thống nhất như cam kết tiến hành rà soát hoạt động đào tạo, đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã ký kết với Bộ Tài Chính.
Tiếp tục cải tiến quy trình tư vấn, bán hàng, thẩm định, dịch vụ khách hàng và giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Cam kết hỗ trợ và xử lý khiếu nại của khách hàng một cách nhanh chóng, công bằng, minh bạch nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Cải tiến chất lượng, hình thức tiếp cận để giúp bảo hiểm trở nên đơn giản, dễ hiểu.
Theo hiệp hội trong năm qua ngành bảo hiểm đã chi trả 44.186 tỉ đồng, tăng 34% so với năm 2021 cũng như đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp BHNT đạt 592.811 tỉ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Tổng số lượng hợp đồng cuối năm 2022 đạt 13.921.675 hợp đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu cả năm đạt 178.327 tỉ đồng, tăng 12%. 3 tháng đầu năm 2023 chi trả quyền lợi đạt 11.534 tỉ đồng, tăng 29,2%. Tổng nguồn vốn sở hữu của các doanh nghiệp BHNT khoảng 141.235 tỉ đồng, tăng 21%. Tổng số lượng hợp đồng cuối kỳ khoảng 13.686.326 hợp đồng, tăng 3,5%. Tổng doanh thu 3 tháng đầu năm đạt khoảng 37.849 tỉ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ.
Bình luận (0)