. Chuyên gia kinh tế, TS NGUYỄN TRÍ HIẾU:
Nên có sàn giao dịch nợ vay tiêu dùng
Việt Nam hiện đã có thị trường mua bán nợ doanh nghiệp (DN) do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và có sàn mua bán nợ riêng. Trong khi đó, các món vay tiêu dùng vẫn chưa có sàn giao dịch mua bán nợ.
Vì vậy, kiến nghị Ngân hàng (NH) Nhà nước nên có định hướng mở sàn giao dịch nợ vay tiêu dùng. Vấn đề là làm sao có công ty trung gian để có thể "đóng gói" những gói vay nhỏ từ 1 hoặc nhiều NH thương mại, công ty tài chính để đưa lên sàn; làm sao cho việc chuyển nhượng tài sản thế chấp được thuận lợi, dễ dàng hơn. Ngoài ra, nên giáo dục tài chính cho mọi người qua các chương trình đại trà, cung cấp kiến thức cơ bản về tài chính cho người dân hiểu tại sao phải mở tài khoản ở NH, tín dụng đen là gì, vì sao cần có tài sản thế chấp khi vay vốn...
. Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM:
Tăng cường phối hợp nhiều giải pháp
Để hỗ trợ phát triển tín dụng tiêu dùng một cách hiệu quả, góp phần hạn chế tín dụng đen và những bất cập trong cho vay, thu hồi nợ, cần nhiều giải pháp đồng bộ về thông tin, tuyên truyền… Các tổ chức tín dụng cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để nắm bắt kịp thời về tội phạm kinh tế trong hoạt động NH, thông tin về phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi.
Đối với Công an TP HCM, đề xuất tăng cường hoạt động kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, nhất là với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính, thu hồi nợ trái luật, hoạt động tư vấn pháp luật (thực chất là đòi nợ thuê, đã được nhận diện qua kết quả làm việc của NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM với các công ty tài chính thời gian qua). Thường xuyên rà soát, theo dõi các ứng dụng (app) để xử lý; phối hợp với NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cung cấp thông tin, tình hình tài khoản khách hàng, thông tin về các phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi.
. Bà NGUYỄN HOÀNG BẢO TRÂN - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương:
Đưa các vấn đề lên nghị trường Quốc hội
Trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa rồi, khi tác động của dịch COVID-19 khiến khách hàng vay vốn tín dụng gặp nhiều khó khăn, tôi từng chất vấn Thống đốc NH Nhà nước và được cho biết cơ quan này đã có nhiều chỉ đạo các NH thương mại cho vay hỗ trợ người lao động và DN. Những nội dung nào thiết thực với người lao động, trong đó có tín dụng tiêu dùng, chúng tôi đều trao đổi với nghị trường, để có sự ủng hộ chung cao nhất.
Thực tế, về việc tuyên truyền sử dụng tài chính một cách thông minh và linh hoạt, thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã thực hiện. Còn việc làm sao để người lao động tiếp cận được các nguồn vay này nhiều hơn, thiết thực hơn, cần tạo điều kiện cho các đơn vị tài chính. Không ai nghĩ rằng vay tiêu dùng xong sẽ thành nợ xấu. Ai vay cũng đều mong muốn trả được nợ. Nếu lãi suất quá cao hoặc các hình thức vay quá khó khăn sẽ khiến người lao động không tiếp cận được hoặc vay rồi không trả nổi mới chuyển sang chiều hướng xấu. Do đó, hãy nhìn người lao động với cái nhìn hỗ trợ để cùng thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững.
. Bà VŨ THẾ VÂN, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM (Hepza):
Để người lao động dễ tiếp cận vay tiêu dùng
Chủ đề tọa đàm của Báo Người Lao Động rất thiết thực trong giai đoạn hiện nay đối với chúng tôi, những người phụ trách Công đoàn. Hiện TP HCM có gần 300.000 công nhân ở 17 KCX-KCN, đa phần là người dân nhập cư, hơn 70% phải ở trọ. Trải qua 2 năm dịch COVID-19, cùng với khó khăn chung cả nước, công nhân càng khó. Giai đoạn hiện nay, khi DN giãn đơn hàng, thu hẹp sản xuất, người lao động càng khó hơn. Đặc thù của công nhân là lương rất thấp, chỉ 5,5-15 triệu/tháng nhưng phải lo tiền nhà trọ, tiền học, nhà trẻ cho con. Do đó, họ rất cần các khoản để trang trải cuộc sống.
Tổ chức Tài chính vi mô CEP đã đồng hành với 12 chi nhánh tại 17 KCX-KCN cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản nhưng cũng chỉ đáp ứng ở mức độ nhất định. Chúng tôi mong muốn đồng hành với các tổ chức tài chính, làm sao để công nhân dễ dàng tiếp cận vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý nhằm ổn định cuộc sống.
. Ông HOÀNG VĂN THÀNH - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổ chức Tài chính vi mô CEP:
Hỗ trợ kiến thức tài chính cho người vay
CEP là tổ chức tài chính vi mô phi lợi nhuận thuộc sở hữu của LĐLĐ TP HCM. CEP đang tập trung hỗ trợ 391.550 hộ gia đình công nhân, lao động nghèo, người có thu nhập thấp thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính, phi tài chính một cách thiết thực và hiệu quả.
Hiện nay, nhu cầu về vốn của người dân rất lớn. Các nguồn vay cũng rất đa dạng, có cả nguồn cho vay "không văn minh" là tín dụng đen. Đối với công nhân, người lao động có thu nhập thấp, khi tiếp cận các nguồn vốn lãi cao, gánh nặng nợ quá lớn, họ dễ dẫn đến mất khả năng trả nợ. Để hình thành thói quen "vay văn minh, trả văn minh", việc tuyên truyền, thông tin đầy đủ, hỗ trợ kiến thức tài chính cho người vay là rất cần thiết, nhất là những thông tin về lãi suất, hợp đồng tín dụng…
CEP đã đẩy mạnh phối hợp với các cấp Công đoàn để tuyên truyền về biện pháp phòng chống tín dụng đen; hỗ trợ kiến thức tài chính và giới thiệu về hoạt động của CEP để truyền tải đến công nhân, người lao động trên các nền tảng kỹ thuật số. Chúng tôi đã lên kế hoạch và cam kết từ năm 2023 đến 2028 đặt mục tiêu hỗ trợ 1,4 triệu lượt công nhân, hộ gia đình công nhân tiếp cận được vốn vay từ CEP với tổng doanh số cho vay 50.059 tỉ đồng; 194.770 lượt công nhân được thụ hưởng các hoạt động phát triển cộng đồng CEP với tổng kinh phí 60 tỉ đồng…
. Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Trưởng Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP HCM:
Cải tiến văn hóa thu hồi nợ
Tôi đánh giá rất cao chủ đề tọa đàm của Báo Người Lao Động trong bối cảnh hiện tại. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP HCM vừa nhận được báo cáo của 10/12 hội viên. Báo cáo cho thấy các hội viên đã thực hiện và tuân thủ khá đúng các quy định về cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, 7/10 công ty tài chính báo cáo đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và hiện chưa có kết luận. Cả nước có 16 công ty được NH Nhà nước cấp phép trong khi các app không được cấp phép rất nhiều, ảnh hưởng đến những công ty chính thống khiến họ bị đánh đồng, bị ngộ nhận, bị ảnh hưởng thương hiệu. Thậm chí, công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, được cấp phép quản lý đang bị đánh đồng với tín dụng đen.
Để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng đen, cần tăng cường giải pháp tuyên truyền, tránh để khách hàng ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp với công ty trái pháp luật. NH Nhà nước cần công bố danh sách các DN tín dụng tiêu dùng được cấp phép để người dân có nhìn nhận tốt hơn. Cần truyền thông thêm về nghĩa vụ người đi vay, rủi ro trả nợ không đúng hạn để người dân có niềm tin hơn.
Ngoài ra, các công ty tài chính cũng nên tiếp tục quảng bá hình ảnh là DN chính thống, hợp pháp; đưa thêm nhiều sản phẩm phong phú, hữu ích cho khách hàng; cho công nhân KCX-KCN vay trả góp; mở rộng mạng lưới đến các vùng sâu, vùng xa; đặc biệt, phải cải tiến văn hóa thu hồi nợ.
Phân biệt tín dụng tiêu dùng và tín dụng đen
. Phóng viên: Trước thực trạng đòi nợ phản cảm, "khủng bố" thời gian qua tác động tiêu cực tới thị trường tài chính tiêu dùng và làm vạ lây cả những đơn vị cho vay lành mạnh, làm sao để thu hồi nợ đúng luật, thưa bà?
- Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Phải nói rằng tín dụng tiêu dùng góp phần phát triển nền kinh tế. Đây là giải pháp để đấu tranh, hạn chế tín dụng đen. Quyền tiếp cận tài chính tiêu dùng của người yếu thế trong xã hội là rất cần thiết. Cần tạo điều kiện cho họ được tiếp cận tài chính, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa người có thu nhập thấp và thu nhập cao.
Tín dụng tiêu dùng phát triển, cho vay phải đi đôi với thu hồi nợ nhưng làm sao thu hồi nợ cho đúng luật? Trước tiên, phải có quy định pháp luật đầy đủ. NH Nhà nước đã có rất nhiều văn bản, thông tư liên quan hoạt động cho vay tiêu dùng. Các quy định này cần được thực hiện, kiểm tra, giám sát.
Quy định đã có nhưng quan trọng là con người thực hiện. Bởi lẽ, dù không thiếu những quy định rất rõ ràng về đạo đức nhân viên - như không được gọi ngoài giờ hành chính và cuối tuần khi thu hồi nợ... - nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Với nợ khó đòi, tâm lý làm sao thu hồi được nợ vẫn có nên cần nghiệp vụ bài bản và chuyên nghiệp. Văn bản của NH Nhà nước quy định không được đe dọa khi thu hồi nợ. Vậy thế nào là đe dọa cũng là vấn đề được quan tâm, cần làm rõ.
. Làm sao để người vay biết lãi suất cao "cắt cổ"?
- Điều 468 Bộ Luật Hình sự quy định rõ lãi suất vay tối đa là 20%/năm nhưng phương thức tính lãi mới quan trọng. Lãi suất 20%/năm nhưng tính phí theo thực tế rất cao, do đó cần tính theo dư nợ giảm dần chứ không phải dư nợ ban đầu. Vấn đề là làm sao giám sát, tuyên truyền, phổ biến để khách hàng hiểu; phải phối hợp để có nhiều phương thức thu hồi nợ nhưng không trái luật. Việc công ty tài chính bán nợ cho doanh nghiệp khác thì phải bảo đảm đơn vị đó có nhân viên thu nợ chuyên nghiệp, có năng lực, đạo đức… Hy vọng Báo Người Lao Động tiếp tục theo sát chủ đề này bởi tín dụng tiêu dùng ngày càng phát triển. Công ty tài chính, NH thương mại, cầm đồ cũng là tín dụng tiêu dùng, nên cần tuyên truyền để khách hàng có thể tiếp cận được vốn đúng quy định, đúng luật.
Người vay tiêu dùng cần biết rõ công ty tài chính, NH cho mình vay, cần tìm hiểu những quy định và có hợp đồng cụ thể. Bên cho vay có nghĩa vụ cung cấp dự thảo vay cho người vay nghiên cứu; nếu sử dụng hợp đồng mẫu thì phải niêm yết tại văn phòng, chi nhánh giao dịch để người vay tham khảo. Ngoài lãi suất, phương thức tính lãi còn phải xem phương thức đốc thúc, thu hồi và xử lý nợ sau này.
Với việc thu hồi nợ, nếu bên cho vay đốc thúc thu hồi không đúng quy định, vi phạm pháp luật thì người vay có thể trình báo các cơ quan có thẩm quyền là NH Nhà nước chi nhánh địa phương và cơ quan công an.
Bình luận (0)