Chấp nhận chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể (gọi tắt là hộ kinh doanh - PV) lên doanh nghiệp (DN), các DN mất 1-2 năm đầu để làm quen với mô hình mới.
Thấy hợp lý thì "lên"
Trao đổi với phóng viên, các hộ kinh doanh đã thành DN cho biết nhờ phòng kinh tế quận/huyện, chi cục thuế hướng dẫn tận tình nên hoạt động khá thuận lợi: thu chi minh bạch, quản lý hiệu quả và lợi nhuận cuối năm cụ thể hơn so với trước đây. Mặc dù vậy, một số DN mới chuyển đổi vẫn chưa quen với việc quản lý theo mô hình DN nên còn gặp khó khăn, lúng túng.
Chị H.T.G, Giám đốc Công ty TNHH S.S.M, đang quản lý 2 phòng tập gym ở quận 7, TP HCM, kể chị "lên" DN từ tháng 6-2017 và đã từng tính đến phương án giải thể DN để trở lại làm hộ kinh doanh. Theo chị G., mặc dù quyết toán cuối năm 2017 tiền thuế thu nhập DN phải đóng thấp hơn 40% so với thuế khoán trước đó, số lần làm việc với các đoàn kiểm tra cũng giảm bớt nhưng đến nay chị vẫn… ngại với danh xưng giám đốc, chưa quen điều hành DN, không biết gì về nghiệp vụ kế toán. "Lên DN thấy khổ hơn vì thủ tục quá nhiều, thời gian đầu tôi rất nản nhưng giờ đã dần ổn định. Hy vọng vài năm nữa sẽ phát triển tốt" - chị G. chia sẻ.
Nhiều hộ kinh doanh cá thể còn ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp Ảnh: Tấn Thạnh
Công ty TNHH H.V vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng lên DN vào đầu năm 2018. Chị Yến, đại diện công ty, cho biết do thấy chủ trương của nhà nước rõ ràng, lập DN sẽ thuận lợi trong việc phát triển thương hiệu thành chuỗi nhà hàng nên đã quyết định chuyển đổi. Từ hộ kinh doanh đóng thuế khoán, giờ mỗi tháng công ty chị phải làm tập hợp hóa đơn chứng từ, làm báo cáo thuế rồi quyết toán với cơ quan thuế... "Dù còn nhiều bỡ ngỡ vì mới chuyển đổi, chưa rành các thủ tục thuế nhưng tôi thấy chủ trương hợp lý, lên DN kinh doanh có lãi thì đóng thuế, đó là nghĩa vụ. Mong là nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế vài năm đầu để tạo thuận lợi cho các công ty mới thành lập" - chị Yến nói.
Chủ Công ty TNHH Yến Sào T.L (quận 5, TP HCM) cho hay không chỉ hộ kinh doanh của bà mà khá nhiều bạn bè trong ngành vừa làm thủ tục chuyển đổi lên công ty với hy vọng có được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Khi còn là hộ kinh doanh, dù đóng theo thuế khoán nhưng đổi lại bà phải thường xuyên tiếp các đoàn kiểm tra của quản lý thị trường, y tế... Khi lên DN, các hoạt động thanh, kiểm tra được thực hiện theo chuyên đề, kế hoạch cụ thể; quy định là không được gây phiền hà cho hoạt động kinh doanh của DN nên việc thanh tra, kiểm tra giảm hẳn.
Còn rào cản thủ tục
Theo ông N.V.S, chủ cơ sở chế biến nông sản thực phẩm tại quận Thủ Đức (TP HCM) việc giữ mô hình hộ kinh doanh khiến ông chịu 2 thiệt thòi là không thể xuất khẩu trực tiếp và khâu xuất hóa đơn chậm hơn DN. Còn lại, mô hình hộ kinh doanh cá thể rất tiện lợi, linh động do không phải mất thời gian cho thủ tục thuế, ông có nhiều thời gian tập trung vào sản xuất kinh doanh. "Trước đây, khi khởi sự kinh doanh, chúng tôi lập DN nhưng sau đó đã xin phá sản do thủ tục quá phiền hà so với quy mô hoạt động của chúng tôi. Ngoài ra, DN thường bị "xin" tiền bằng các hình thức vận động, đóng góp trong khi hộ cá thể ít bị quấy rầy. Từ trường hợp của mình, tôi cho rằng chỉ khi nào DN được giảm các thủ tục hành chính, rút gọn thủ tục khai nộp thuế thì các hộ kinh doanh mới mạnh dạn lên DN" - ông S. đúc kết.
Cũng thẳng thắn từ chối lên DN, ông N.V.N, thương nhân chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, đưa ra lý do là đã lớn tuổi, không rành máy vi tính, không có kế hoạch mở rộng cơ sở làm ăn. "Biết là DN làm ăn có lãi mới đóng thuế, thuế khoán lâu nay dù lỗ hay lãi cũng phải đóng nhưng bù lại không mất thời gian làm giấy tờ thủ tục, quản lý hóa đơn chứng từ... nên có thời gian nghỉ ngơi. Nếu con tôi theo nghề, muốn làm ăn lớn hơn và quản lý hiện đại hơn thì sẽ tự mở DN" - ông N. nói.
Ông Lê Thanh Hải, Trưởng Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho biết nhiều năm nay, quận liên tục vận động tiểu thương "lên" DN. Tuy nhiên, đến thời điểm này ngoài những hộ kinh doanh vàng bạc bắt buộc chuyển đổi thì số hộ còn lại ở chợ vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động. Đây cũng là thực trạng chung tại các chợ trên địa bàn TP HCM.
Trên địa bàn quận, có khoảng 12.000 hộ kinh doanh, 20% trong đó có đủ điều kiện về doanh thu, số lượng lao động, quy mô… để chuyển đổi lên DN. Ông Đoàn Quang Luân - Trưởng Phòng Kinh tế quận 6, TP HCM - cho biết một vài hộ kinh doanh trên địa bàn sau thời gian lập DN đã giải thể, quay trở lại mô hình cũ. "Họ thành lập DN để xin giấy phép nhập khẩu hàng hóa trực tiếp nhưng sau 1 thời gian hoạt động không hiệu quả, phát sinh thêm chi phí, gặp rắc rối về giấy tờ thủ tục liên quan đến thuế nên bị quá tải, xin rút. Quy định mới cho phép hộ kinh doanh được phép nhập khẩu ủy thác từ DN khác đã tạo điều kiện cho họ nhập khẩu hàng hóa thuận lợi hơn nên đã quay lại mô hình kinh doanh phù hợp" - ông Luân nói thêm.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch năm 2018 TP HCM sẽ vận động 20.000 hộ kinh doanh lên DN nhưng từ đầu năm đến nay, hầu như không có hộ nào chuyển đổi mô hình hoạt động. Năm 2017, TP HCM cũng đặt chỉ tiêu vận động 20.000 hộ lên DN nhưng kết quả chưa đến 2.000 DN thành lập mới đi lên từ hộ kinh doanh. Tính chung đến tháng 10-2018, cả 24 quận huyện mới có 1.641 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Trong đó, quận Bình Thạnh có số hộ kinh doanh lên DN nhiều nhất với 560 DN; quận 11, Bình Tân, huyện Bình Chánh xếp kế tiếp với hơn 100 DN. Tại các quận huyện khác chỉ vài chục, thậm chí vài hộ kinh doanh "lên đời".
Không ép buộc, tạo áp lực
Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết quan điểm của TP HCM là vận động hộ kinh doanh lên DN để họ hoạt động tốt hơn, lớn mạnh hơn chứ không phải dùng ý chí chủ quan và bộ máy hành chính ép họ chuyển đổi. "Quận 1 có 15.000 hộ kinh doanh nhưng chỉ hơn 200 hộ có doanh thu, quy mô lớn, có thể vận động lên DN. Những hộ đủ điều kiện lên DN đã tự chuyển đổi hoặc chuyển đổi từ năm 2017. Chúng tôi đang tiếp tục vận động, riêng những hộ buôn bán nhỏ thì không có chủ trương nâng lên DN" - ông Hòa nói.
T.Nhân
Bình luận (0)