Trước hết là Bộ Công Thương, ngày 23-3 đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo thì ngay ngày hôm sau (24-3) lại kiến nghị xuất khẩu gạo trở lại rồi sau đó là đề nghị cho xuất khẩu có kiểm soát. Còn Bộ Tài chính khi không mua được gạo dự trữ quốc gia cũng đề nghị ngừng xuất khẩu gạo trắng để mua đủ lượng dự trữ. Rõ ràng là cơ quan quản lý mỗi nơi một phách, không nắm chắc các dữ liệu để tham mưu chính xác cho Chính phủ.
Đến khi Chính phủ cho phép xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 lại xảy ra chuyện hải quan cho mở tờ khai điện tử lúc 0 giờ ngày 12-4, khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) rồi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kêu cứu về những lô hàng tồn ở cảng trước thời điểm tạm dừng xuất khẩu. Tại sao các bộ, ngành không xem xét giải quyết trước cho các lô gạo xuất khẩu dang dở (theo VFA là không quá 300.000 tấn) mà lại cho đăng ký mở tờ khai mới theo kiểu ai đăng ký trước được trước rồi lùi vào hạn ngạch 400.000 tấn?
Trong khi đó, theo văn bản chỉ đạo ngày 25-3, Thủ tướng chỉ yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Còn với các hợp đồng đã ký theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì báo cáo. Như vậy, các bộ, ngành đã không thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, không xem xét các hợp đồng đã ký của DN trước thời điểm 24-3 mà lại cho đăng ký tờ khai mới vào lúc nửa đêm là điều vô lý.
Về nguy cơ mất an ninh lương thực dẫn đến đề xuất tạm ngưng xuất khẩu gạo. Trước hết, nếu chỉ nhìn vào số liệu xuất khẩu gạo tháng 2-2020 tăng 94% về sản lượng, 104,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019 thì đúng là có nguy cơ thật. Thế nhưng, phân tích số liệu sẽ thấy rằng tháng 2-2019 là tháng Tết âm lịch, xuất khẩu ít, còn Tết 2020 rơi vào tháng 1, qua tháng 2 xuất khẩu được đẩy mạnh là bình thường. Tiếp đến là sự kiện ca bệnh 17 Covid-19 họp báo đêm 6-3 đã xảy ra tình trạng người dân mua vét nhu yếu phẩm ngay trong đêm và tiếp ngày hôm sau. Nhưng những ngày sau đó các kệ hàng lại đầy ắp, người dân không đi mua tích trữ nữa. Cho đến ngày 31-3, khi Thủ tướng công bố chỉ thị "cách ly xã hội", thị trường chỉ sôi động hơn sau đó lại trở lại bình thường cho thấy Việt Nam không gặp vấn đề về tích trữ, thiếu lương thực.
Xét trên bình diện thế giới, dù xuất khẩu tháng 2 của Việt Nam tăng đột biến nhưng không có nghĩa các nước tăng mua tích trữ gạo. Đúng là dịch Covid-19 người ta lo về lương thực hơn, nhập khẩu gạo sớm hơn nhưng không có nghĩa nhập khẩu gạo sẽ tăng trong năm 2020.
Theo dự báo tháng 4 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thương mại gạo toàn cầu năm 2020 khoảng 42,7 triệu tấn, giảm 1,8 triệu tấn so với dự báo tháng 3 và giảm 1,1 triệu tấn so với năm 2019. Thực tế, diễn biến thị trường gạo thế giới những ngày gần đây cho thấy không có tình trạng sốt giá do thiếu lương thực, vì nếu thiếu giá gạo sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, theo bảng chào giá gạo Thái Lan mới nhất (ngày 16-4), khi Việt Nam đã xuất khẩu gạo trở lại là 535 USD/tấn (gạo trắng 5% tấm), giảm 43 USD/tấn so mới mức đỉnh vào ngày 8-4, khi Thái Lan "một mình một chợ" trên thị trường gạo thế giới. Rõ ràng cơ hội gạo giá cao chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, Việt Nam không nhanh chóng chớp lấy sẽ mất vì cung cầu thế giới vẫn ổn định, không thiếu hụt.
Bình luận (0)