“Chưa đạt hiệu quả mong muốn, nói thẳng ra là thất bại vì tỷ lệ thu hồi nợ, nói thuần túy về tín dụng chỉ đạt hơn 40%, còn 60% là nợ đọng, nợ xấu, nợ tổn thất” - một lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) nhận xét về chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997 - “Hồi ấy cho vay mang tính hành chính bao cấp, cho vay theo kế hoạch nhà nước, cho vay do chính quyền địa phương chỉ định, cưỡng bức. Ngân hàng chỉ giải ngân, không có quyền gì. Lại thêm chương trình bắt ngư dân chịu quá nhiều thứ phí như phí bảo hiểm, vốn tự có. Từ đây, chúng ta rút được những bài học xương máu, kinh nghiệm sống còn để triển khai Nghị định 67 hiện nay”.
Và BIDV đề nghị các bộ, ngành “cho cơ chế xử lý triệt để khoản nợ vài chục tỉ đồng còn lại vì đã để theo dõi, hạch toán lằng nhằng 17 năm nay rồi”.
“Nhiệt huyết cao, lo cho an toàn cũng cao”
Tại hội nghị triển khai chính sách tín dụng thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tại Quảng Ngãi ngày 24-7-2014 do UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp tổ chức, năm ngân hàng nơi Nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần chi phối, đã đăng ký những khoản vốn hàng ngàn tỉ đồng để cho vay: Agribank đăng ký 5.000 tỉ đồng; VietinBank và BIDV 3.000 tỉ đồng mỗi ngân hàng; MHB (Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL) 2.000 tỉ đồng; Vietcombank 1.000 tỉ đồng.
Nói như Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, “ngân hàng nhiệt huyết cao, nhưng lo cho an toàn cũng cao”. Ông nhắc nhở các ngân hàng: “Các văn bản của Chính phủ phải thực hiện nghiêm túc, sau đó mới đến nhiệt huyết vì người ta nhìn vào hiệu quả”.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lựa chọn phổ biến giới thiệu mẫu tàu cho ngư dân, không áp đặt ngư dân. “Nên mở rộng các cơ sở đóng tàu, không nên chỉ thiên về Nhà máy Đóng tàu Nha Trang của Vinashin (cũ) vì ở miền Trung còn có Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và TPHCM có bốn cơ sở đóng tàu”.
Ông cho rằng mỗi địa phương phải có một cơ sở duy tu, sửa chữa tàu, nếu không mỗi lần cần bảo dưỡng, hoặc có sự cố, ngư dân phải kéo tàu chạy vào Nha Trang. Quy hoạch cảng cá cũng là việc cấp thiết. Tỉnh Phú Yên đã khảo sát năm cảng cá và thấy tàu công suất lớn không thể neo đậu, phải đưa về cảng Vũng Rô.
“Cơ chế quản lý của Quyết định 393 (về quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ năm 1997) rất lỏng lẻo, khi có vướng mắc, rủi ro xảy ra ông này “đá” qua ông kia, không biết ai giải quyết. Bây giờ phải có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, thí dụ bao nhiêu ngày giải quyết xong sự cố...” - ông Hà nói. Ông đề nghị NHNN cho các ngân hàng vay tái cấp vốn đối với khoản tổn thất bất khả kháng như bão gió, bị nước ngoài bắt giữ trái luật quốc tế...
Đại diện một ngân hàng nhấn mạnh chính quyền địa phương phải giúp các tổ chức tín dụng quản lý tài sản, thu hồi nợ: “Quảng Ngãi ngày trước có cử một ông phó chủ tịch tỉnh chỉ huy đội săn bắt tàu, thu nợ. Có tình trạng bà con đánh bắt xong, bán ngay tại ngư trường. Phải làm thế nào để ngư dân tự giác trả nợ cho ngân hàng”.
Ngư dân sao lập phương án kinh doanh được?
Cơ chế tín dụng theo Nghị định 67 khá rõ: Nhà nước thực hiện chính sách cấp tín dụng ưu đãi theo nguyên tắc vay vốn thương mại có hoàn trả; ngân hàng chủ động lựa chọn người vay để xem xét, quyết định theo điều kiện, quy định của NHNN trên cơ sở xác nhận, phê duyệt danh sách vay vốn của chính quyền địa phương.
Ngắn gọn: tiền đã sẵn, lãi suất ưu đãi Chính phủ đã quyết, còn chờ danh sách phê duyệt của địa phương và ngân hàng căn cứ vào đó mà giải ngân.
Tuy nhiên để ra được danh sách vay vốn từ phía địa phương không dễ. Muốn có danh sách, trước tiên ngư dân phải lên tiếng và đăng ký là họ có nhu cầu vay. Khi vay, ngư dân cần biết họ vay làm gì, liệu có mang lại hiệu quả đủ trả nợ không. Việc vay đó, cho dù là ưu đãi lãi suất chỉ 3%/năm, nhưng đòi hỏi ngư dân phải thay đổi tập quán, tư duy đi biển, sử dụng tàu thuyền loại mới... liệu có đủ sức thuyết phục họ thực hiện?
Thêm nữa, giả dụ ngư dân đồng ý thay đổi tập quán, đóng tàu sắt, đi học đánh cá bằng tàu sắt, mang sản phẩm về, thì Nhà nước tổ chức mạng lưới mua, tiêu thụ thế nào? Hay ngư dân lại phải tự tiêu thụ, lại vẫn tiếp tục dựa vào đầu nậu?
Đại diện Sở NN&PTNT Đà Nẵng lo lắng: “Hiểu thế nào là “đánh bắt xa bờ” để hỗ trợ ngư dân? “Có khả năng tài chính” cụ thể là sao? Tôi có con tàu trị giá 1 tỉ đồng có phải là “có khả năng tài chính” không? Nói ngư dân lập phương án sản xuất, kinh doanh là rất khó. Họ đâu có làm được. Về điều kiện cho vay, chủ tàu phải mua đầy đủ bảo hiểm thân tàu. Tại sao lại mua bảo hiểm trước khi đóng tàu? Con tàu phải hoàn thành, cơ quan bảo hiểm xuống kiểm tra, rồi họ mới bán bảo hiểm. Còn nếu kêu ngư dân mua bảo hiểm trước, làm sao mua đây?”.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên băn khoăn không kém: “Phương án sản xuất kinh doanh nên có mẫu đính kèm thông tư hướng dẫn. Nếu không, mỗi ngân hàng đưa ra một mẫu khác nhau, ngư dân không theo kịp. Những ngư dân có khả năng đánh bắt thực sự, có thể lập phương án kinh doanh, họ nói đã vay thương mại đóng tàu rồi, nay cho họ vay ưu đãi để trả nợ vay thương mại đó, chúng tôi không biết trả lời sao. Có phải chỉ đóng tàu mới mới được vay ưu đãi không?”.
Đại diện một tỉnh khác kể: “Ngư dân hỏi, chúng tôi cần hướng dẫn để trả lời, chỉ dẫn, nhưng đến nay chỉ còn ba tuần nữa nghị định có hiệu lực mà chưa thấy bộ, ngành nào ban hành văn bản hướng dẫn”.
Ông Lê Văn Sơn, Cục Thủy sản Quảng Ngãi, đưa ý kiến: “Có nên nhập tàu mới của các nước đủ điều kiện, giá rẻ hơn đóng trong nước để rút ngắn thời gian chờ đợi của ngư dân?”.
Ngay cả đại diện cơ quan quản lý thủy sản cũng tỏ ra bối rối: “Theo đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 tổng số tàu cá cả nước là 110.000 chiếc. Hiện chúng ta có 130.000 chiếc, tức phải cắt giảm 20.000 chiếc, bài toán giải quyết thế nào?”. Ông cho biết trong số đó, chỉ 27% là tàu đánh bắt xa bờ, như vậy có thể đóng thêm 2.000 chiếc loại này.
Khách quan mà nói, Nghị định 67 ra đời mới ba tuần và NHNN, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính đã có một số cuộc khảo sát thực tế để chuẩn bị ban hành các thông tư hướng dẫn. Tuy vậy, khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước mặt: câu hỏi liệu ngư dân có chịu vay tiền, có chịu làm bạn với tàu vỏ sắt, vẫn đang chờ một câu trả lời.
Bình luận (0)