Ngày 14-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Chính sách còn xa thực tế
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin tính đến hết năm 2018, cả nước có 101.405 tổ hợp tác, 22.861 hợp tác xã (HTX), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng khoảng 59% so với năm 2003. Số lượng các HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX. "HTX trở thành chỗ dựa, phát huy vai trò kinh tế hộ, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và hỗ trợ nâng cao phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội cho thành viên" - ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bức tranh về kinh tế tập thể, HTX vẫn còn những gam màu ảm đạm. Cụ thể, HTX phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng, còn thụ động, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh theo yêu cầu của kinh tế thị trường. Đóng góp vào GDP của khu vực này có xu hướng giảm sút, từ trung bình khoảng 6% trong năm 2003 xuống gần 4% năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng của các HTX tại hội nghị Ảnh: QUANG HIẾU
Từ thực tế tại địa phương, bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, băn khoăn trước những khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng, tài chính và năng lực quản trị. Theo bà Chỉ, mặc dù trung ương và địa phương đã có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển HTX nhưng kinh phí rót để hỗ trợ về cơ sở vật chất, hạ tầng mỗi năm còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bà cũng lo ngại về việc đào tạo nhân lực cho HTX khi các chính sách còn chồng chéo và kiến nghị giao cho Liên minh HTX Việt Nam chủ trì sẽ phù hợp hơn.
Là một HTX khá lớn ở Bạc Liêu, Artemia đã tạo việc làm cho trên 300 lao động, được biết đến với sản phẩm trứng gà được đánh giá tốt trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HTX Artemia, cho biết đơn vị gặp không ít khó khăn về trình độ quản lý, tiếp cận vốn thực hiện kế hoạch sản xuất. "Việc tiếp cận vốn tín dụng rất khó nên phải mượn vốn của thành viên, thế chấp ngân hàng để cùng tham gia" - ông Thành nêu thực tế và nhấn mạnh với điều kiện và năng lực tài chính như hiện nay thì HTX không thể thu hút được nhân lực chất lượng cao.
Cũng gặp khó khăn như HTX ở Thái Bình, ông Thành cho biết việc tiếp cận đất đai, thực thi quyền sử dụng đất đai đang vướng mắc lớn. "Hiện tại, chúng tôi không có đất, phải đi mua đất, phải lấy tài sản của mình và đi thế chấp ngân hàng nên không có nguồn lực sản xuất. Chúng tôi không biết các doanh nghiệp tiếp cận đất đai thế nào khi họ có hàng chục, hàng trăm héc-ta nhưng chúng tôi thì không thể" - ông Thành băn khoăn.
Mặc dù con số về HTX mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo khá lạc quan nhưng ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch HĐQT HTX Dương Liễu (Hà Nội), cho rằng số HTX gặp khó khăn vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Ông Đức nhấn mạnh còn nhiều HTX gặp khó khăn là minh chứng cho các cơ chế, chính sách, ưu đãi của nhà nước cho thành phần kinh tế này chưa bám sát thực tiễn, thiếu cụ thể, số HTX được thụ hưởng còn ít. "Phải chăng cơ chế, chính sách chưa đi vào thực tiễn cuộc sống như mong đợi?" - ông Đức đặt câu hỏi.
Sẽ hỗ trợ tối đa
Mặc dù HTX đang gặp không ít những thách thức trong bối cảnh mới nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp là con đường tất yếu để đảm nhận vai trò liên kết các hộ sản xuất với doanh nghiệp, qua đó hình thành chuỗi giá trị của từng ngành hàng, hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Cường đánh giá số HTX nông nghiệp hiện nay vẫn quá ít để có thể làm tốt vai trò kết nối 6 triệu nông dân. "Thời gian tới cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, thậm chí nghiên cứu chính sách đặc thù cho các HTX nông nghiệp, bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro" - người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh.
Đại diện các HTX ở nhiều địa phương cũng kiến nghị các chính sách, cơ chế về tiếp cận, sử dụng đất đai, nhân lực và nguồn vốn. Ông Nguyễn Phi Đức đề nghị cần có các chế độ ưu đãi về đất đai, để HTX xây dựng trụ sở, nơi sản xuất nhằm hoạt động hiệu quả. "Mong Chính phủ giao các địa phương chủ động cân đối quỹ đất để cho giao các HTX thuê, tập trung tháo gỡ khó khăn bằng những cơ chế đặc thù để chúng tôi hoàn thành thủ tục được giao đất, thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" - đại diện HTX Dương Liễu đề xuất.
Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đại diện các HTX, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khích lệ những bước phát triển về cả lượng và chất của HTX, hỗ trợ cho gần 6 triệu hộ xã viên, tạo ra số lượng lớn việc làm, xây dựng các chuỗi liên kết phát triển mới trong nông nghiệp. Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế và yêu cầu các bộ - ngành, địa phương cùng vào cuộc quyết liệt, đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ: Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu ở nhiều cơ quan, địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến hoạt động của HTX.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ - ngành, địa phương thực hiện phương châm "3 đồng hành, 5 hỗ trợ" đối với HTX để tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời rà soát các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, đất đai, tài chính - tín dụng, hỗ trợ khoa học - công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy HTX phát triển. "Phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống nông thôn" - Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu các bộ - ngành, địa phương tạo môi trường thuận lợi, phát huy tinh thần tự chủ, tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo của các HTX, các xã viên, nhân rộng những mô hình HTX hiệu quả.
Không áp đặt mệnh lệnh hành chính lên HTX
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, HTX là loại hình kinh tế đặc biệt, không chỉ đóng góp kinh tế đơn thuần cho xã hội mà còn ổn định về chính trị, an sinh xã hội, đáp ứng doanh thu cho HTX và từng thành viên. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ nhiều địa phương vẫn còn "ám ảnh" mô hình HTX kiểu cũ, không phù hợp với tình hình mới. Do đó, một số nơi áp đặt phát triển HTX bằng mệnh lệnh hành chính dẫn tới khó thành công, còn địa phương nào buông lỏng thì HTX ngày càng bết bát.
Bình luận (0)