Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 27,72 tỉ USD. Đáng chú ý, số vốn giải ngân đạt kỷ lục với hơn 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.
"Mở hàng" nhiều dự án mới
Ngay từ đầu năm 2023, hoạt động thu hút vốn FDI ở nhiều địa phương đã hết sức sôi động. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ trong 20 ngày đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký đạt 1,69 tỉ USD; số dự án cấp mới là 153, tăng 48,5% về số lượng và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Trong đó, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy... dẫn đầu về vốn đăng ký mới với 651,9 triệu USD, chiếm tỉ lệ 54,1%. Vốn FDI cả nước thực hiện trong tháng 1-2023 ước đạt 1,35 tỉ USD.
Việt Nam được cho là cứ điểm quan trọng nhất của Samsung trên phạm vi toàn cầu.Ảnh: BÌNH AN
Về phía địa phương, trong những năm gần đây, nhiều tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... là điểm sáng về thu hút dòng vốn quan trọng này. Ngay từ những ngày đầu năm nay, tỉnh Bắc Giang đã "mở hàng" một số dự án FDI quan trọng như: trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian cho nhà đầu tư từ Singapore; trao biên bản ghi nhớ giữa nhà đầu tư Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh... Ngoài ra, tỉnh còn đón nhận không ít dự án sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị truyền thông, tấm pin năng lượng mặt trời.
Tính riêng 16 ngày đầu năm 2023, tỉnh Bắc Giang thu hút vốn đầu tư đạt 795,9 triệu USD, gấp 11,79 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm 64,2% vốn FDI đăng ký cấp mới của cả nước. Đây là tín hiệu khởi sắc cho thu hút vốn FDI của địa phương thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Triển vọng lạc quan
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các cửa hàng của Uniqlo - thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản - tại TP HCM luôn tấp nập khách hàng mua sắm. Nhu cầu tăng cao giúp thương hiệu này không ngừng gia tăng số lượng cửa hàng sau 3 năm có mặt ở Việt Nam.
Trước đó, tháng 11-2022, Uniqlo đã công bố kế hoạch khai trương cùng lúc 2 cửa hàng mới tại Vincom Royal City và Vincom Trần Duy Hưng tiếp nối sự kiện khai trương cửa hàng Uniqlo tại Vincom Bà Triệu (TP Hà Nội) trước đó 1 tháng.
Thương hiệu này hướng đến mục tiêu nâng cao mức độ nhận diện tại Việt Nam và phục vụ các đối tượng khách hàng khác nhau. "Việc khai trương cùng lúc 2 cửa hàng mới giúp chúng tôi hoàn thành thêm một cột mốc quan trọng tại Việt Nam là mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ chỉ sau gần 3 năm đặt chân đến thị trường năng động này" - ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám đốc Uniqlo Việt Nam, bày tỏ.
Tương tự, một số thương hiệu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ khác của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng gia tăng sự hiện diện và tăng đầu tư tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) hồi cuối năm ngoái cho thấy có tới 60% doanh nghiệp (DN) được hỏi trả lời có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỉ lệ này tăng so với năm trước và chứng tỏ động lực cũng như sức hút của thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư ở cả khối sản xuất và bán hàng.
Nhiều tổ chức tài chính trong nước và quốc tế đều nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của dòng vốn FDI, nhất là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế. Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC nhận định sẽ có cú hích từ dòng vốn FDI của Trung Quốc tới khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Thực tế, trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ của ASEAN, chẳng hạn chuỗi cung ứng xe điện ở Indonesia và Thái Lan, hàng điện tử tiêu dùng ở Việt Nam hay ngành hàng dược phẩm đầy triển vọng của Singapore. Năm 2021, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có nguồn vốn FDI lớn nhất tại khu vực ASEAN, ngang bằng Nhật Bản.
Ở Việt Nam, Goertek và Luxshare, 2 trong số 3 nhà cung cấp chính của Apple, đã rót thêm lần lượt 400 triệu USD và 306 triệu USD để mở rộng sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng và đa phương tiện. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng của Apple tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những quốc gia dẫn đầu tiếp cận lĩnh vực sản xuất tại ASEAN. Nhật đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp ôtô của Thái Lan, còn Hàn Quốc thành công trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm chính sản xuất điện thoại thông minh của họ trên toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dù vốn FDI đăng ký chậm lại từ quý III/2022 do một số rủi ro vĩ mô cùng tình hình lạm phát trên toàn cầu song dòng vốn này có thể tích cực hơn trong trung và dài hạn.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam trong năm 2022 đạt 65 tỉ USD, xấp xỉ năm 2021, được cho là thành tích xuất sắc trong bối cảnh có nhiều khó khăn đến từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng lạm phát tăng cao trên toàn cầu. Đáng chú ý, Samsung Việt Nam đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) mới tại Việt Nam vào cuối năm 2022, tiếp tục đánh dấu Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất của nhà đầu tư này trên phạm vi toàn cầu.
"Từ năm 2023, chúng tôi có kế hoạch mở rộng lĩnh vực R&D, nâng cao năng lực chuyên môn nhằm nâng tầm R&D trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển hàng đầu của Samsung trên toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học lớn của Việt Nam và tăng cường hỗ trợ bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin" - ông Choi Joo Ho cho biết.
Thu hút dự án công nghệ cao
Tại Nghị quyết 01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao, nhất là FDI vào ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, hỗ trợ hiệu quả DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN, dự án FDI.
Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ các chính sách về thu hút vốn FDI, Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong thu hút, sử dụng vốn FDI. Đồng thời, chú trọng thu hút những dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh mới với yêu cầu thu hút vốn FDI chất lượng cao, hướng đến phát triển xanh, bền vững, chúng ta cần xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế để tạo động lực phát triển, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, tin cậy.
Ngoài ra, cũng cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khu vực DN trong nước đủ thực lực để liên doanh, liên kết với khu vực FDI.
Dưới góc độ địa phương, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh đã chủ động đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh ngay từ đầu năm; thực hiện linh hoạt, đồng bộ những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh cho DN, nhất là về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, thị trường...
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay địa phương sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ DN nhằm thu hút có chọn lọc dòng vốn FDI chất lượng cao. "Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã bứt phá vào tốp 5 toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài" - ông Lê Duy Thành nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-1
Bình luận (0)