Cuối tháng 9-2016, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận tại văn phòng giao dịch Công ty TNHH Đầu tư khoáng sản Hoàng Long (Công ty Hoàng Long), hàng chục nhà đầu tư đang được một số người tư vấn phương thức gửi tiền vào công ty. Khi ấy, công ty này còn để sẵn hàng chồng hợp đồng hợp tác kinh doanh mẫu để nhà đầu tư tham khảo.
Công ty Hoàng Long giới thiệu về dự án khai thác mỏ và tổ chức cho người gửi tiền tham quan các mỏ tại tỉnh Hòa Bình hồi tháng 9-2016 (Ảnh lấy từ website Công ty Hoàng Long)
Như đã phản ánh trong bài viết “Đa cấp tiền gởi, 1 vốn 4 lời” trên Báo Người Lao Động, Công ty Hoàng Long đưa ra các gói đầu tư từ 5 triệu đồng đến 5 tỉ đồng. Cụ thể, với gói tiền gửi 100 triệu đồng, mỗi năm, Công ty Hoàng Long chi trả vốn và lãi 4 lần. Hết quý I, công ty chi trả 132 triệu đồng, quý II trả 66 triệu đồng, quý III trả 30 triệu đồng, quý IV trả 300 triệu đồng. Như thế, sau 1 năm, người gửi nhận được cả vốn và lãi 528 triệu đồng - tính ra một 1 vốn 4 lời (lãi suất hơn 400%/năm). Riêng gói đầu tư 500 triệu đồng và 1 tỉ đồng, nhà đầu tư nhận được tương ứng 2,6-5,2 tỉ đồng.
Để thuyết phục người gửi tiền, Công ty Hoàng Long đưa ra nhiều thông tin khá hấp dẫn, như: góp vốn 700 tỉ đồng vào Công ty CP Khoáng sản An Vượng (Hà Nội) để cùng kinh doanh khai thác 4 mỏ khoáng sản tại tỉnh Hòa Bình; góp vốn 500 tỉ đồng, thời hạn 10 năm với Công ty CP Tập đoàn Pha Lê để khai thác đá trắng tại tỉnh Nghệ An. Lợi nhuận có được từ các hoạt động này là cơ sở để công ty trả vốn và lãi cho người gửi tiền.
Theo một số người gửi tiền, đầu tháng 9-2016, Công ty Hoàng Long còn tổ chức cho hàng chục người gửi tiền tham quan các dự án mỏ khoáng sản tại tỉnh Hòa Bình nhằm chứng minh cho các hoạt động đầu tư của mình. Tuy nhiên, ngày 14-12, chúng tôi đến cao ốc số 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM - nơi Công ty Hoàng Long đặt trụ sở - nhân viên bảo vệ cho biết cách đây 1 tháng, nhiều người đã tìm đến công ty để đòi lại tiền. Thậm chí, có người ở Trà Vinh gửi 3 tỉ đồng đã ngất xỉu khi biết trụ sở Công ty Hoàng Long không còn đặt tại đây. “Do đó, chủ cao ốc đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng cho thuê đối với Công ty Hoàng Long vào cuối tháng 11” - nhân viên bảo vệ cao ốc nói.
Cùng ngày, chúng tôi đến văn phòng giao dịch của Công ty Hoàng Long đặt tại lầu 9, tòa nhà số 56 Yên Thế, quận Tân Bình, TP HCM thì văn phòng này cũng biến mất. Nhân viên bảo vệ cho biết Công ty Hoàng Long đã trả lại mặt bằng cách đây 1 tháng và chuyển đi đâu không rõ. Riêng số điện thoại của ông Lê Đình Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Long, không có tín hiệu liên lạc.
Chị Nguyễn Thị Lài, người ký hợp đồng gửi tiền với Công ty Hoàng Long vào đầu tháng 9, cho biết lúc đó công ty này nhận tiền gửi 5.000 USD (100 triệu đồng), trả vốn và lãi hằng ngày. Đến giữa tháng 9, Công ty Hoàng Long bất ngờ thông báo chi trả theo quý khiến nhiều người bất an muốn rút vốn nhưng đến nay vẫn chưa rút được.
Ông Nguyễn Văn An, nhóm trưởng một nhóm 5 người gửi tiền, cho hay cách đây 2 tháng, ông có điện thoại cho ông Lê Đình Nhân để đòi lại 10 tỉ đồng của nhóm mình thì ông Nhân chỉ hứa hẹn. “Hiện nay, chúng tôi liên tục tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm ra ông Nhân và địa chỉ mới của Công ty Hoàng Long” - ông An lo lắng.
Trước đó, vào ngày 25-11, trang web của Công ty Hoàng Long thông báo đề nghị người gửi tiền cung cấp đầy đủ tên, mã số giao dịch, số tài khoản, số tiền đã nộp và đã nhận... để công ty đối chiếu và có kế hoạch chi trả số tiền gốc còn lại cho từng người. Thông báo còn ghi rõ nếu sau ngày 5-12, người gửi tiền không cung cấp thông tin thì mọi khiếu nại sẽ không được giải quyết.
Nên khởi kiện lên tòa án
TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cho rằng về bản chất, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Hoàng Long và người gửi tiền là hợp đồng vay tài sản theo quy định tại điều 47 Bộ Luật Dân sự 2005. Nghĩa là Công ty Hoàng Long vay tiền của người dân và cam kết trả gốc lẫn lãi theo thời hạn trên hợp đồng do 2 bên tự nguyện và thỏa thuận với nhau, chứ không có bất kỳ một hợp tác kinh doanh nào giữa các bên.
Như vậy, trường hợp Công ty Hoàng Long không trả nợ theo cam kết trong hợp đồng, người gửi nên làm hồ sơ khởi kiện lên TAND quận/huyện nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình.
Bình luận (0)