Những ngày qua, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lại một lần làm ngỡ ngàng du khách.
Hạt cà phê tự bản chất đã là điều lạ lùng: đắng nhưng kích thích tinh thần. Uống cà phê từ việc thưởng thức một hương vị dần đã định hình thành nét văn hóa. Nhưng để có được vị thế như ngày nay không đơn giản là gieo hạt rồi thu hoạch, bán cho người dùng. Nó gồm cả quá trình thích nghi với người dân qua bao nhiêu năm, sự tận tâm của rất nhiều người đam mê cà phê và không thể thiếu vai trò của những doanh nhân phát triển thương hiệu cà phê Việt rộng khắp và ra cả thế giới.
Nói không ngoa, những người ghi dấu ấn đậm nét của cà phê Việt không thể không kể đến ông chủ của thương hiệu Trung Nguyên. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi những quán cà phê Trung Nguyên mở ra tại TP HCM đã làm thay đổi khẩu vị của dân sành cà phê: nâng tầm và đặt nó vào một góc văn hóa đô thị. Tiếp đó, nhiều doanh nhân khác cũng lao vào giữ cho cà phê Việt bản sắc riêng, thị phần riêng, đủ sức cạnh tranh và "lên mặt" với những chuỗi cà phê nhất nhì thế giới muốn dùng tiền để phủ ngập lên khẩu vị người dùng loại cà phê nhợt nhạt.
Theo số liệu thống kê chính thức từ cơ quan hữu trách, trong năm 2018, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 1,8 triệu tấn, thu về hơn 3,4 tỉ USD - một con số mơ ước so với nhiều cây trồng truyền thống khác và quan trọng hơn lợi nhuận lớn nhất chảy về túi người trồng - tức những người nông dân trực tiếp sản xuất.
Từ hạt cà phê nhìn sang một số mặt hàng nông sản khác của Việt Nam mà chạnh lòng. Sản lượng lớn và nhiều người trồng nhất là hạt lúa nhưng bao năm qua luôn bấp bênh. Rất nhiều chính sách tầm quốc gia "o bế" hạt gạo nhưng vị thế trên thị trường thế giới ngày càng giảm và cũng không cạnh tranh nổi với Thái Lan, Ấn Độ. Năm 2018 được nhìn nhận là năm hạt gạo được giá ở thị trường thế giới nhưng cũng chỉ thu về khoảng 3 tỉ USD xuất khẩu.
Đáng lo là lợi nhuận từ hạt gạo tuy lớn nhưng ít được chi về cho người nông dân mà thường rơi vào túi những doanh nghiệp trung gian và xuất khẩu. Nỗi lo này thường trực từ 30 năm trước, khi hạt gạo Việt Nam tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế nhưng đến bây giờ vẫn chưa nguôi ngoai. Không nói đâu xa, vừa sau Tết nguyên đán 2019, Chính phủ phải đưa ra hàng loạt biện pháp cấp bách "giải cứu" lúa gạo cho nông dân bởi đang thu hoạch nhưng mất giá. Thêm một vụ mùa mà người trồng lúa sẽ khó khăn nhưng chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu chẳng lo, bởi họ thừa tiền để trữ gạo khi giá thấp.
Hãy học hạt cà phê, giá trị không chỉ đong thuần túy bằng tiền mà nó còn hàm chứa sự đam mê của một vùng đất, sự tự hào của doanh nhân và cả văn hóa của thú vui tao nhã.
Bình luận (0)