Lũ lụt thường xuất hiện khi các cơn bão ép nước từ những ngọn núi gần đó xuống cộng thêm nước biển dâng cao góp phần làm nước dâng khắp khu phố cổ Hội An. Năm nay, lũ lụt càng hung hãn hơn, chủ yếu do nạn phá rừng và việc phát triển các đập thủy điện lớn nhỏ. Và một phần nào do biến đổi khí hậu.
Vì sống trong một khu vực thường xuyên xảy ra bão lụt, người dân phố cổ Hội An phải tìm mọi cách để bảo vệ gia đình và nhà cửa khỏi thảm họa. Hầu hết những ngôi nhà trong khu phố cổ đều 2 tầng, có cửa sập để giúp di chuyển đồ đạc, trước khi nước lên.
Đường Bạch Đằng ven sông Thu Bồn là con đường đầu tiên bị ngập; có năm, dòng nước đục ngầu dâng cao đến tận tầng 1 của những ngôi nhà 2 tầng; nhiều hộ dân phải tung mái ngói, thoát ra để được cứu.
Thông thường, khu phố cổ Hội An không bao giờ bị ngập nước trong một thời gian dài. Nước lụt thường giảm xuống sau 1 hoặc 2 ngày; những nhà buôn lại dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ và mở cửa kinh doanh lại một cách nhanh chóng.
Lũ lụt chắc chắn là không có gì vui cả. Vậy mà lại có những tour mời gọi khách nước ngoài tới Hội An để sống và chụp hình cảnh tượng phố cổ mùa nước lũ. Quả thiệt quá vô tâm! Đương nhiên, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn ở khu phố cổ, tuy rằng một số đường phố và vỉa hè ngập chìm trong nước mỗi khi lũ về.
Mặc dù vậy, thời tiết khắc nghiệt đôi khi có thể gây ra những hậu quả trầm trọng. Trận lụt lớn nhất tôi từng biết xảy ra vào năm 1964 - năm Giáp Thìn - khi còn nhỏ. Vào tháng 11 năm đó, nước lụt ở Hội An dâng cao trong cả một tuần lễ, ngập đến tận nóc các ngôi nhà, trong đó có nhà của bà ngoại tôi ở chợ Hội An, gần sông Thu Bồn. Đó là trận lụt tồi tệ nhất thế kỷ XX, khiến khoảng 6.000 người thiệt mạng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế và Quảng Tín (một vùng thuộc miền Trung trước đây).
Lụt năm 1964, tức “Lụt năm Thìn”, nước lũ dâng cao, đường trong khu phố cổ Hội An biến thành sông (ảnh tư liệu)
Theo dữ liệu do thời đó thu thập, mực nước ở một số khu vực bị lụt lên tới 22,16 m trên mực nước biển...
Gần đây, một số "chuyên gia" đã khuyến nghị xây dựng những con đê thấp xung quanh Hội An để che chắn cho khu phố cổ khỏi bị lũ lụt. Nhưng các chuyên gia "thứ thiệt", am hiểu địa lý Hội An và cả miền Trung đã lập luận ngược lại. Theo họ, đê điều bằng bê-tông sẽ phá hủy vẻ đẹp hấp dẫn, thơ mộng của khu phố cổ Hội An, cũng chẳng giúp ích gì cho việc giữ gìn khu phố cổ cả.
Theo thống kê do Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lập ra, Hội An còn giữ được hơn 800 nhà cửa, dinh thự, đền chùa là những công trình cổ, thường có niên đại hơn 200 năm. Năm 1999, UNESCO đã vinh danh Hội An là Di sản thế giới, vì đây là một thương cảng châu Á thế kỷ XV - XIX vẫn được bảo tồn tốt. Trong suốt thế kỷ từ XVI đến XVII, nơi đây là một trong những thương cảng quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á, một điểm dừng chân chính của Con đường Tơ lụa...
Bình luận (0)