Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 6, những ngày qua, bờ biển Hội An (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục bị sạt lở lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại dù mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu.
Tiền tỉ trôi theo sóng
Ngày 13-10, tại Hội An đã có nắng nhẹ sau hơn một tuần mưa tầm tã. Bờ biển Hội An kéo dài từ phường Cửa Đại đến phường Cẩm An xơ xác, tiêu điều. Những dải cát dài hoàn toàn biến mất, thay vào đó là vô số bao cát, cọc tre, nhiều mảng bê-tông bị sụp đổ từ các công trình kiên cố.
Tại bờ biển Cửa Đại (phường Cửa Đại), dù có lớp kè mềm kéo dài hàng trăm mét, bờ biển vẫn tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Những đợt sóng cao đến 3 m liên tiếp đánh vào bờ, xé toạc các bao cát, băng qua lớp kè tiến sâu vào bên trong. Sau mưa lũ, người dân phường Cửa Đại xót xa nhìn những hàng dừa nghiêng ngả, trốc gốc. Cát bị cuốn đi để lại những điểm xói lở hàm ếch, các vết nứt kéo dài hàng chục mét, phá hủy phần lớn diện tích khuôn viên của dãy nhà hàng, khu resort.
Thẫn thờ nhìn cảnh tượng tan hoang do sóng biển để lại, anh Lê Vỹ (SN 1980, quản lý nhà hàng Biển Dừa) cho biết: "Mới một đợt mưa lớn mà sức tàn phá của sóng biển quá lớn. Từ sáng đến nay, chúng tôi đã phải lèn hơn 500 bao cát để tránh sụt lún mà tình hình vẫn chưa khả quan. Mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp xử lý hiệu quả, làm sao có một bờ kè kiên cố, một bờ biển đẹp như xưa để còn an tâm làm ăn".
Tại khu vực biển An Bàng (phường Cẩm An, TP Hội An), nước biển tiếp tục xâm thực, xóa sổ hàng dừa và bờ biển. Nhiều chủ nhà hàng, resort, khu lưu trú đã chủ động đóng cọc tre, dùng bao cát chèn chống để giữ đất nhưng vẫn bị sóng biển "ngoạm" trôi chân móng. Họ đành bất lực nhìn tài sản tiền tỉ của mình bị sóng vùi dập tan nát.
Bờ biển Cửa Đại tan hoang sau những đợt sóng lớn dù đã có kè. Ảnh: QUANG LUẬT
Chống sạt lở kiểu "nhà nghèo"
Theo lãnh đạo UBND TP Hội An, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại bắt đầu diễn ra nghiêm trọng từ năm 2009. Năm 2011-2012, Hội An đã xây kè cứng bằng bê-tông để gia cố bờ biển, sau đó là kè mềm bằng bao địa kỹ thuật mua từ Hà Lan. Từ khi tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại xảy ra, chính quyền địa phương bắt đầu "chạy theo" con nước. Các khu resort, nhà hàng ven biển cũng đua nhau xây kè để tự cứu. Mạnh ai nấy xây, sạt đâu làm kè ở đó. Tuy một số khu resort được cứu nhưng lại khiến tình trạng sạt lở lan dần. Cứ sau mỗi đợt mưa bão, bờ biển Cửa Đại bị sóng xé toang và chính quyền địa phương lại huy động lực lượng, máy móc đắp kè. Đến nay, vùng sạt lở đã dài đến vài km, lan rộng dần từ phía Nam ra hướng Bắc, kéo dài từ Cửa Đại đến An Bàng.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2009-2016, ngân sách tỉnh, trung ương và TP Hội An đổ vào việc xây kè chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại đã hơn 80 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến nay, đã có thêm hàng trăm tỉ đồng đổ xuống bờ biển Cửa Đại. Tuy vậy, việc chống sạt lở theo kiểu "con nhà nghèo", sạt lở ở đâu làm kè ở đó đã không mang lại hiệu quả.
Cụ thể, năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển TP Hội An với tổng kinh phí đầu tư 80 tỉ đồng. Năm 2018, Quảng Nam tiếp tục chi hơn 54 tỉ đồng đầu tư xây dựng kè biển Cửa Đại, đoạn từ resort Victoria về hướng Tây Bắc, Hội An… Ngoài ra mỗi năm, Hội An phải bỏ ra vài tỉ đồng để chống sạt lở.
Theo ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp tỉnh Quảng Nam, năm 2018, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua khoản ngân sách 340 tỉ đồng để giúp Quảng Nam khắc phục sạt lở bờ biển Cửa Đại. Đến nay, đơn vị đã triển khai dự án đê ngầm dài 200 m với kinh phí 40 tỉ đồng và đang lập dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại với tổng kinh phí 300 tỉ đồng từ ngân sách trung ương. Tuy nhiên, ông Điềm cho biết các dự án này cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa thể giải quyết căn cơ việc cứu biển Cửa Đại.
Nghiên cứu làm đê ngầm, đê phá sóng
Theo ông Võ Văn Điềm, tháng 8-2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Cửa Đại với tổng vốn đầu tư 42 triệu euro (tương đương hơn 1.128 tỉ đồng), sử dụng chủ yếu vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp. Đơn vị đang lập dự án, dự kiến trong tuần tới sẽ báo cáo UBND tỉnh. Ông Điềm cho biết các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu phương án triển khai theo hướng làm đê ngầm và đê phá sóng từ xa. Dự kiến, đến năm 2022 mới có thể bắt đầu khởi công công trình, đến năm 2024 mới có thể hoàn thành. Khi đó, bờ biển Cửa Đại mới có thể được bảo vệ một cách bền vững.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)