Ngày 29-9, nguồn cung thịt heo ở TP HCM giảm đột ngột, giá tăng mạnh do hơn 4.000 con heo (chiếm hơn 40% lượng tiêu thụ mỗi ngày của TP HCM) tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi) bị cơ quan chức năng đình chỉ giết mổ do nghi đã tiêm thuốc an thần.
Heo nằm la liệt
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, đêm 28 rạng sáng 29-9, đoàn liên ngành gồm Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) và Chi cục Thú y TP HCM đã ập vào cơ sở giết mổ Xuyên Á. Tại đây, đoàn ghi nhận hàng loạt heo chờ giết mổ nằm la liệt (dấu hiệu bị tiêm thuốc an thần) và nhiều lọ, bịch thuốc an thần, ống tiêm. Tổng số heo nhập về đây giết mổ trên 5.000 con, trong đó chỉ gần 1.000 con là bình thường, còn lại hơn 4.000 con của 20 chủ bị đình chỉ giết mổ do nghi đã tiêm thuốc an thần.
Những con heo này nghi bị tiêm thuốc an thần trước khi mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi).
Một thành viên đoàn kiểm tra phân tích trước đây, việc tiêm thuốc an thần chủ yếu để dễ bơm nước vào heo nhằm tăng trọng lượng. Nay việc tiêm thuốc an thần còn nhằm giảm hao hụt trọng lượng trong vận chuyển và làm cho miếng thịt hồng hào, dẻo do thuốc có tác dụng co tĩnh mạch. Những loại thuốc an thần có trong danh mục thuốc thú y điều trị động vật nhưng trong trường hợp này đã bị sử dụng sai mục đích, khiến tồn dư trên thịt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên chiều 29-9, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, cho biết dự kiến, ngày 30-9 sẽ có kết quả xét nghiệm chính thức về thuốc an thần các lô heo tạm giữ và sẽ sớm thông tin cho báo chí. Về trách nhiệm của lực lượng thú y tại cơ sở giết mổ Xuyên Á để xảy ra tình trạng trên, ông Thảo thừa nhận đang trong quá trình xem xét. "Số lượng cán bộ thú y tại cơ sở Xuyên Á là 10 người. Đặc điểm của những vi phạm này là đối tượng có chủ ý nên cố tình tránh né sự giám sát của thú y. Chúng tôi sẽ xem xét công tâm, nếu do nguyên nhân khách quan sẽ có cách xử lý khác, nếu phát hiện cán bộ tiếp tay vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Về nguyên tắc, lực lượng thú y trực thường xuyên tại lò mổ nhưng không thể có mặt mọi lúc, mọi vị trí để theo dõi" - ông Thảo nói.
Xác định trách nhiệm qua vòng truy xuất nguồn gốc
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhìn nhận thương lái thường đưa heo đã đeo vòng truy xuất từ lò mổ ra chợ nhưng lại không chịu khai báo và kích hoạt tiếp thông tin để hoàn thành chuỗi truy xuất nguồn gốc. Do đó, cần yêu cầu thương lái thực hiện việc khai báo để tên tuổi của họ gắn vào từng mảnh heo nhằm hạn chế vi phạm.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, cho rằng với vai trò là đơn vị cung cấp giải pháp "đeo vòng truy xuất", đơn vị đã chuẩn bị dữ liệu cơ bản nhất đối với số heo đưa vào cơ sở Xuyên Á ngày 28-9 để cung cấp cho cơ quan chức năng. "Với hệ thống dữ liệu này sẽ xác định được đường đi của từng con heo từ trại nuôi đến lò giết mổ, cán bộ thú y đã kiểm soát ở từng công đoạn. Từ đó, sẽ nhanh chóng truy được trách nhiệm của từng chủ thể" - ông Trung khẳng định. Ông Trung thông tin thêm, vụ việc đã ảnh hưởng đến việc cung ứng heo về TP HCM. Tính đến trưa 29-9, lượng heo về TP trong ngày chỉ 3.500 con, trong khi thông thường khoảng 5.000 con.
Tình trạng heo tiêm thuốc an thần đã từng được ghi nhận tại TP HCM nhưng mức phạt khá nhẹ, chỉ từ 5-6 triệu đồng/trường hợp, lô heo vi phạm sẽ bị lưu giữ đến khi có kết quả âm tính mới được phép giết mổ, tiêu thụ bình thường. Còn theo quy định mới, có hiệu lực từ ngày 15-9, hành vi tiêm thuốc an thần cho heo bị phạt từ 30-35 triệu đồng/trường hợp, lô hàng bị buộc xử lý nhiệt, chuyển mục đích sử dụng, không được dùng làm thực phẩm cho người.
Hiện tại TP HCM, hầu hết cơ sở giết mổ (trừ nhà máy của Vissan) chủ yếu cho thuê mặt bằng, việc kiểm soát giết mổ do lực lượng thú y đảm trách. Thời gian tới, khi các nhà máy giết mổ công nghiệp ra đời, thay thế các cơ sở thủ công thì nhà máy sẽ có vai trò lớn hơn trong việc kiểm soát thịt tại đây.
Giá thịt heo tăng
Thời gian qua, giá heo hơi duy trì ở mức thấp nên giá heo mảnh được bán tại 2 chợ sỉ Bình Điền (quận 8) và Hóc Môn (huyện Hóc Môn) chỉ xoay quanh mức 35.000 - 42.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng của vụ đình chỉ giết mổ nêu trên, phiên giao dịch đêm 28 rạng 29-9, chỉ có hơn 2.000 con heo về chợ Hóc Môn (bình thường khoảng 5.500 con) khiến giá tăng lên 60.000 - 65.000 đồng/kg (loại 2), 65.000 - 70.000 đồng (loại 1); chợ Bình Điền lượng heo về như ngày thường, tương đương 2.900 con, giá bán 52.000 đồng/kg, tăng mạnh so với trước đó. Đại diện Công ty Vissan cho biết sự việc xảy ra trùng hợp với thời điểm công ty tung ra chương trình khuyến mãi đã chuẩn bị trước (từ ngày 29-9 đến 5-10) nên lượng hàng cung ứng có tăng. Theo chương trình này, giá thịt đùi heo khúc chỉ 41.000 đồng/kg, vai heo khúc 41.000 đồng /kg, ba rọi heo khúc 53.000 đồng/kg.
Bình luận (0)