Trong báo cáo triển vọng thị trường bất động sản TP HCM 2020-2030 vừa công bố, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) chỉ ra có ít nhất 3 điểm nóng mới sẽ dẫn dắt nguồn cung nhà ở tại TP HCM trong 10 năm tới.
Theo HoREA, những khu vực này sẽ diễn ra tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa mạnh mẽ, phát triển nhanh hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông. Từ đó tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản TP HCM. Những điểm nóng này có đủ tiềm lực thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn cho thị trường bất động sản giai đoạn hậu Covid-19.
Cụ thể, điểm nóng mới thứ nhất là TP Thủ Đức. TP này được hình thành trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới rộng 211 km2, dân số hơn 1 triệu người, là khu đô thị sáng tạo gồm: khu công nghệ cao (giai đoạn 2010-2020 thu hút hơn 7 tỉ USD đầu tư và xuất khẩu 77 tỉ USD); cụm đại học phía Đông (100.000 sinh viên, 2.000 giảng viên); đường vành đai 3; Metro Số 1, Khu đô thị mới Thủ Thiêm... sẽ được quy hoạch thành trung tâm tài chính tương lai.
Một phần khu Đông TP HCM, nơi sẽ hình thành TP Thủ Đức trong tương lai. Ảnh: Hoàng Triều
Dự kiến, TP Thủ Đức sẽ đóng góp 30% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cho TP HCM và chiếm khoảng 7% GDP (tổng sản phẩm nội địa) của cả nước. Theo kỳ vọng của lãnh đạo TP HCM, TP Thủ Đức sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Riêng về bất động sản, khi gộp lại 3 quận (quận 2, quận 9, Thủ Đức), TP Thủ Đức tương lai sẽ là nơi có nhiều dự án khu đô thị nhất TP HCM. Trong vòng 5-10 năm tới, khu vực này sẽ có nhiều loại hình bất động sản hơn, cũng là điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ.
Điểm nóng tiếp theo là 4 huyện nằm trong đề án chuyển đổi thành quận trong thập niên tới, gồm:
Huyện Củ Chi có 43.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 14.000 ha (chiếm 32% đất tự nhiên của huyện) nhưng dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% số hộ làm nông nghiệp.
Huyện Hóc Môn, diện tích đất nông nghiệp chiếm 21% và dự báo năm 2025 số hộ nông nghiệp còn 0,6%, với 1.200 người làm nông nghiệp. Dự kiến, năm 2030 chỉ còn 619 người làm nông nghiệp.
Huyện Bình Chánh có 7.900 ha đất nông nghiệp, chiếm 31% diện tích tự nhiên huyện. Dự báo đến năm 2025 chỉ còn 0,4% số hộ làm nông nghiệp.
Tại huyện Nhà Bè, diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch chỉ chiếm 3%. Dự báo năm 2025 chỉ còn hơn 100 hộ làm nông nghiệp, tức 0,1% số hộ trên địa bàn.
Theo HoREA, trong nhóm 4 huyện này, Bình Chánh là địa phương chịu áp lực lớn nhất bởi tỉ lệ đất nông nghiệp cao nhưng số hộ làm nông nghiệp thấp. Do đó, nguy cơ chuyển đổi đất bất hợp pháp nhiều nhất vì người dân không có nhu cầu làm nông nghiệp.
Bốn huyện vùng ven này được hiệp hội dự báo sẽ sớm được chuyển đổi lên quận trong thập niên tới và nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở. Khi đó, tư duy bất động sản sẽ chuyển đổi từ việc di chuyển bao xa sang di chuyển bao lâu và hạ tầng giao thông sẽ trở thành yếu tố quyết định cho thị trường bất động sản ở các huyện vùng ven này.
Ngoài ra, huyện Cần Giờ khi trở thành "đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường" gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới sẽ là điểm nóng mà các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản quan tâm.
Điểm nóng mới thứ ba mà HoREA muốn nói tới không thuộc địa bàn quận huyện mà là thông tin Chính Phủ cho phép TP HCM sẽ chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020. Diện tích này sẽ nằm rải rác các quận, huyện vùng ven còn quỹ đất nông nghiệp.
HoREA tính toán 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp, vì vậy việc chuyển đổi đất nông nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho người dân lẫn TP và giúp thị trường bất động sản tối ưu được quỹ đất này.
Bình luận (0)