Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao do UBND TP HCM tổ chức sáng 24-12 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) đầu ngành về định hướng xây dựng các khu công nghiệp gắn với phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao trong tương lai.
Cần hình thành các KCN sinh thái
Theo các diễn giả, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hiệu quả, TP HCM nên hình thành các KCN mới và cơ cấu lại những KCN hiện có theo hướng thân thiện với môi trường, chuyển đổi công nghệ và ít thâm dụng lao động. Đặc biệt, với các KCN hỗ trợ công nghệ cao sắp hình thành, thành phố nên xây dựng theo mô hình công nghiệp cộng sinh và kinh tế tuần hoàn.
Khu Công nghiệp ứng dụng công nghệ cao Kizuna (Long An) giới thiệu sản phẩm, dịch vụ bên lề hội thảo quốc tế về thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao .Ảnh: TẤN THẠNH
Từ kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với phát triển công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ của TP HCM, GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, chỉ ra KCN sinh thái là định hướng phát triển trung và dài hạn của thành phố. Tất cả KCX-KCN hiện hữu tại thành phố đã hoàn thành "sứ mạng lịch sử" từ những năm 1990 với tính hiệu quả và đổi mới sáng tạo chưa rõ nét. Tỉ lệ đóng góp của công nghiệp trong GRDP của thành phố gần đây có xu hướng chững lại.
"Trong giai đoạn chuyển đổi hậu công nghiệp, nếu thành phố muốn tiếp tục duy trì KCN hiện hữu thì phải bổ sung hệ sinh thái kết nối các DN trong KCN, kết nối chuỗi cung ứng trong - ngoài khu vực và quốc tế, đồng thời kết nối DN với các chính sách ưu tiên, hỗ trợ của thành phố. Các KCN hiện hữu phải có lộ trình từng bước tiệm cận với KCN sinh thái vì đó là xu hướng tất yếu trên thế giới, phù hợp với siêu đô thị; kết nối các bên hướng đến hiệu quả, đổi mới sáng tạo, bền vững môi trường và xã hội" - GS-TS Nguyễn Trọng Hoài góp ý.
TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng phát triển mô hình khu/cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao phải theo nguyên tắc bảo đảm tính kết nối cung - cầu hiệu quả giữa các DN sản xuất sản phẩm đầu cuối và DN công nghiệp hỗ trợ, tính liên kết mở giữa các DN trong khu/cụm với các DN bên ngoài và liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để làm được điều này, thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN lớn chuyển giao hoặc liên kết công nghệ.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành phố cần phác thảo lộ trình phát triển cụm ngành công nghiệp hỗ trợ theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, phân tích chiến lược, nhận diện tiềm năng về phát triển các cụm ngành đang hiện hữu của thành phố từ những nền tảng sẵn có hoặc mở rộng tiếp cận toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nhà đầu tư nước ngoài.
Giai đoạn 2, thực hiện các kế hoạch đã đề ra ở giai đoạn 1. Giai đoạn 3, thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ hợp tác và tăng cường các liên kết sâu sắc hơn. Do đặc tính chu kỳ của các dòng sản phẩm, sự phát triển của cụm ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi phải liên tục cập nhật, tự đổi mới, chuyển từ khai thác lợi thế cạnh tranh sẵn có sang tạo các lợi thế so sánh mới.
4 nhóm vấn đề trọng tâm
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế trong và ngoài nước đã dẫn chứng kinh nghiệm hay từ kết quả nghiên cứu và thực tiễn trên thế giới để thành phố áp dụng. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm vấn đề mà thành phố quan tâm, gồm: kinh nghiệm kêu gọi thu hút đầu tư vào KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; mô hình hoạt động, vận hành của KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phù hợp với vị trí, vai trò của thành phố; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước; cơ chế, chính sách cần thiết cho việc hình thành, quản lý KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.
Khẳng định tầm quan trọng và cần thiết của việc hình thành KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, ông Hirai Shiiji, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho hay dù xảy ra dịch Covid-19 nhưng xu hướng đầu tư của DN Nhật vào Việt Nam vẫn không thay đổi.
Thực tế, nhu cầu mua nguyên phụ liệu tại chỗ của DN Nhật Bản ở Việt Nam không ngừng tăng, từ tỉ lệ thu mua khoảng 22,4% vào 10 năm trước đã tăng lên 37,4% trong năm nay. Nhiều DN Nhật đang tiếp tục tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa Việt Nam để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa.
Ở góc độ DN trong nước, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải, cho rằng trước mắt có thể xây dựng KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cho lĩnh vực cơ khí, điện - điện tử và công nghiệp chế biến thực phẩm.
"Hiện nay, các DN đầu tư nước ngoài đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam đều mang theo nhiều nhà cung cấp linh kiện. Nếu chúng ta cung cấp cho họ linh kiện với giá rẻ hơn thì họ sẽ đi cùng chúng ta" - ông Trần Bá Dương nêu quan điểm và góp ý khi xây dựng các KCN mới, phải lưu tâm đến số hóa, giảm tối đa chi phí để có giá thành cạnh tranh.
Vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết TP HCM xác định ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng, tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài của thành phố. Ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố trong thời gian qua đã phát huy được vai trò bổ trợ cho các hoạt động sản xuất và có những bước khởi đầu đáng khích lệ.
"Thành phố đã ấp ủ từ lâu việc hình thành KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, quy tụ tất cả các DN công nghệ cao, tạo ra một cộng đồng DN công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Từ đây, tạo cơ sở thúc đẩy phát triển ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xứng tầm với vai trò trung tâm kinh tế của thành phố" - ông Võ Văn Hoan bày tỏ.
Bình luận (0)