Điểm hẹn hấp dẫn bên bờ biển
Nằm lọt thỏm giữa một bên là biển và một bên là núi, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) hiện đang là một điểm đến khá hấp dẫn của nhiều du khách khi đến Bình Định, đặc biệt là các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) hiện đang là một điểm đến khá hấp dẫn
Cách đây khoảng 10 năm, vợ chồng GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam ở Pháp) - GS Lê Kim Ngọc (Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp) về nước tìm nơi xây dựng ICISE. Qua nhiều tỉnh, thành nhưng cuối cùng vợ chồng GS chọn TP Quy Nhơn để triển khai dự án này vì ấn tượng với lời mời gọi và những cam kết hỗ trợ mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Không lâu sau đó, dự án ICISE được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất với diện tích hơn 20 ha bên bờ biển thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn để triển khai thực hiện. Trong đó, gần 4,4 ha quy hoạch xây dựng khách sạn, nhà khách, khu lưu trú, nhà và khoảng 15 ha đất xây dựng các hạng mục sử dụng vào mục đích khoa học, giáo dục… Cuối năm 2011, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã khởi công xây dựng ICISE. Gần 2 năm sau, công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tháng 7-2015, UBND tỉnh Bình Định và Hội Gặp gỡ Việt Nam tiếp tục khởi công Tổ hợp không gian khoa học gồm 3 hạng mục: Nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng Khoa học và Đài quan sát thiên văn ngay cạnh ICISE. Đến tháng 8-2018, Hội Gặp gỡ Việt Nam tiếp tục tổ chức Lễ động thổ khách sạn "Vì Khoa học" trong khuôn viên dự án ICISE.
GS Gerard ‘t Hooft (Hà Lan, bên phải), người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999 trong một lần đến TP Quy Nhơn tham dự chương trình Gặp gỡ Việt Nam
Từ đó đến nay, tại ICISE đã diễn ra hơn 60 hội nghị khoa học quốc tế với sự tham dự của khoảng 5.500 nhà khoa học; trong đó có 12 người đoạt giải Nobel, 2 giải Fields (được coi là giải Nobel trong toán học), 2 giải Kavli (giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thiên văn học) và 1 giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)… Không những thế, thông qua ICISE, rất nhiều nhà khoa học gốc Việt trên thế giới đã về lại đất nước để đóng góp công sức, trí tuệ. Qua đó, họ đã nhận đào tạo, giúp đỡ cho hàng trăm em sinh viên Việt Nam được qua nước ngoài học tập, theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.
Theo GS Trần Thanh Vân, các hội nghị quốc tế thời gian qua được tổ chức tại ICISE có nhiều GS, TS và những người đoạt giải Nobel khoa học tham dự. Qua đó, đã nâng cao rất nhiều hình ảnh của Bình Định, đồng thời tạo điều kiện cho những người làm khoa học hay sinh viên ở các trường ĐH ở Bình Định có điều kiện tiếp xúc, học hỏi…
"Việc xây dựng ICISE là cả một quá trình ấp ủ hàng chục năm của tôi. Nó đã được mọc rễ, có nền tảng vững chắc thể hiện ý chí nguyện vọng sắt đá của chúng tôi. Chúng tôi luôn tâm niệm, nhà khoa học phải có sứ mệnh, bổn phận đưa khoa học đến với công chúng, làm sao cho tương lai sẽ có những phát triển khoa học hay hơn, tốt hơn. Chính vì vậy, tôi mới đưa ra ý tưởng xây trung tâm khám phá khoa học, để chuyển cái tình yêu, ngọn lửa khoa học của chúng tôi đến với thế hệ trẻ của Việt Nam", GS Vân chia sẻ.
Hướng đến đô thị khoa học
Ngoài các dự án trên, cuối tháng 8-2018, tại Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), Công ty TNHH Giải pháp phần mềm tường Minh Bình Định (thuộc Công ty TMA Solutions - TP HCM) cũng đã khởi công xây dựng dự án Công viên sáng tạo TMA (TMA Innovation Park).
Các nhà khoa học quốc tế và trong nước chụp ảnh lưu niệm trong một lần đến dự hội nghị khoa học tại ICISE
Theo TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT TMA Solutions, Công viên sáng tạo TMA là một công viên sáng tạo phần mềm xây dựng trên diện tích 15,7 ha trong khu vực Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn. Nằm dọc trục Đại lộ Khoa học, Công viên được đầu tư xây dựng các công trình chính như: Trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng, Trung tâm khoa học dữ liệu, Trung tâm trí tuệ nhân tạo, Trung tâm ứng dụng internet vạn vật… với tổng vốn đầu tư khoảng 8 triệu USD. Dự án được chia thành 2 giai đoạn đầu tư, công viên sẽ đi vào hoạt động sau 3 năm xây dựng. Theo kế hoạch, sau 15 năm hoạt động, công viên sẽ thu hút khoảng 3.000 nhân lực lao động tri thức, chất lượng cao.
"Với Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn đang hình thành, các bạn trẻ tại Bình Định có cơ hội để làm việc ngay tại quê hương và đóng góp cho sự phát triển của công nghệ cao tại miền Trung. Công viên Sáng tạo TMA sẽ giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lĩnh vực này vào Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn, biến nơi đây trở thành một khu đô thị khoa học và giáo dục hàng đầu", TS Lệ nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đứng thứ 4 từ trái sang) trong một lần đến thăm và làm việc tại ICISE
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết hiện nay địa phương đang quy hoạch và xây dựng khu đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) Long Vân, với định hướng trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Đây là khu đô thị khoa học đầu tiên trong cả nước, khi đi vào hoạt động sẽ trở thành điểm đến đặc trưng của Việt Nam về khoa học, giáo dục và định vị thương hiệu sản phẩm du lịch khoa học đối với du khách trong nước và trên thế giới.
"Hiện nay, mỗi năm đã có hàng ngàn nhà khoa học, trong đó có nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel đến để nghiên cứu, trao đổi, tổ chức hội nghị tại khu đô thị này. Trong đó, khu đô thị Khoa học Quy Hòa có diện tích 242ha, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Long Vân có diện tích 110 ha. Để dự án trọng điểm này sớm được triển khai xây dựng, mong Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương quan tâm sớm thông qua đề án và cho hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu đô thị này. Đồng thời cho cơ chế, chính sách để hình thành một số doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường ĐH, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại khu đô thị khoa học này để nơi đây thực sự trở thành điểm đến của các nhà khoa học trên thế giới", ông Dũng đề nghị.
Một góc trong khu khu đô thị Khoa học Quy Hòa
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết đất nước phát triển thì không thể không có khoa học. ICISE đã có những ý tưởng nghiên cứu khoa học cơ bản rất tốt, giúp Quy Nhơn là thành phố nhỏ của Việt Nam nhưng đã có hàng nghìn nhà khoa học đến đây và đặc biệt là đã quy tụ được hàng chục nhà khoa học đoạt giải Nobel.
"Thành phố khoa học ở Việt Nam chưa có nhưng Bình Định đi trước một bước là mạnh dạn, là đột phá lớn. Chính phủ sẽ sẵn sàng xử lý chính sách đặc thù trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói chung và ở Bình Định nói riêng trên cơ sở của những đề xuất cụ thể", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)