Biểu đồ lạm phát và lạm phát cơ bản của Việt Nam - Nguồn: JPMorgan
Theo dự báo của JPMorgan Chase, với tốc độ tăng trưởng GDP đi vào ổn định thì các áp lực lạm phát cũng có thể sớm quay đầu tăng nhẹ sau một thời gian suy giảm. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng, trong trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục giảm, thì tốc độ lạm phát của Việt Nam hoàn toàn có thể giảm thêm.
JPMorgan Chase dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm về mức 4,2% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 10 tới đây, rồi dần tăng trở lại. Tính cả năm, JPMorgan Chase cho rằng, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 8,1%, so với mức 18,1% của năm 2011.
Chuyên gia của JPMorgan Chase cho rằng, lạm phát giảm tốc sẽ đem lại hai hiệu ứng tích cực.
Thứ nhất là chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng thêm, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đang yếu. Do lạm phát giảm nhanh, lãi suất thực tế ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trong mấy năm, bất chấp lãi suất cơ bản giảm 400 điểm phần trăm trong vài tháng qua. Theo số liệu mà báo cáo đưa ra, lãi suất repo (trên thị trường mở) thực tế hiện đang thực dương 2,9%, thay vì mức âm 7,3% vào tháng 8 năm ngoái, trong khi lãi suất repo hiện là 10% so với mức 14% vào tháng 8 năm ngoái.
Thứ hai, lạm phát giảm tốc sẽ cải thiện cân bằng kinh tế vĩ mô và ổn định cán cân thanh toán của Việt Nam. Áp lực đối với cán cân thanh toán của Việt Nam thường xuất phát từ các dòng vốn ngắn hạn vốn dĩ rất nhạy cạm với lạm phát vì người dân dễ dàng dịch chuyển vốn giữa USD, VNĐ và vàng. Nếu lạm phát thấp, các dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào các tài sản VNĐ. Theo các tuyên bố chính thức, thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm nay đã lần đầu tiên tăng sau nhiều năm. JPMorgan Chase dự báo mức dự trữ này còn tiếp tục tăng thêm.
Bình luận (0)