Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2012 chỉ tăng 0,16% so với tháng trước. Như vậy, tính chung cả quý I năm nay, lạm phát dừng ở mức 2,55%.
Tăng thấp hơn dự báo
Mức tăng quá thấp của CPI tháng 3 - 2012 khiến nhiều chuyên gia kinh tế bất ngờ. Trước đó, hiện tượng giá gas tăng phi mã trên thị trường cộng với điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu 10% đã khiến các chuyên gia cảnh báo CPI tháng 3 sẽ tăng xấp xỉ 1%. Ngay cả Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng đưa ra dự báo CPI tháng 3 tăng khoảng 0,4% - 0,5%.
Theo phân tích của bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sở dĩ CPI tháng 3 hạ nhiệt vì giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh. Cụ thể, giá lương thực trên thị trường đã giảm 1,21% so với tháng 2 do xuất khẩu gạo không được thuận lợi, giá thực phẩm cũng giảm 1,25% do nhu cầu tiêu dùng giảm cộng với sản lượng dồi dào. Sự giảm giá của hai mặt hàng này đã khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng hóa chiếm tỉ trọng lớn nhất (39,9%) trong rổ hàng hóa tính CPI - giảm giá 0,83%.
Cảnh báo sản xuất gặp khó
Dù chỉ số CPI rất “đẹp” nhưng tình trạng gia tăng số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động cùng với sản lượng hàng tồn kho tăng mạnh liên tục từ năm 2011 đến nay đang khiến giới chuyên gia lo ngại khả năng nền kinh tế đình đốn, trong khi lạm phát cao có thể xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết sức tiêu thụ của dân cư trong quý I/2012 thấp hơn so với những năm trước. Đáng lưu ý là tổng cầu đã giảm mạnh trong cả quý I năm nay do người dân thắt chặt chi tiêu. Chỉ số giá vàng và chỉ số giá USD đều giảm trong tháng 3 với mức giảm lần lượt là 0,44% và 0,63%.
Biểu hiện khá bất thường Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định: Thông thường, CPI tháng 3 trong năm tăng rất thấp, thậm chí còn âm. Do đó, mức tăng 0,16% của CPI tháng 3-2012 cho thấy lạm phát đã quay lại đúng quy luật. Những năm kiềm chế lạm phát ở mức một con số, CPI tháng 3 thường âm hoặc tăng rất nhẹ.
Nếu không có những yếu tố bất thường thì lạm phát quý I thường bằng một nửa hoặc 1/3 lạm phát cả năm. “Rõ ràng, sự sụt giảm tiêu dùng rất mạnh của người dân ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cùng với việc doanh nghiệp đăng ký phá sản ngay dịp đầu năm là một số biểu hiện khá bất thường” - TS Vũ Đình Ánh nói. |
Bình luận (0)