Có mặt tại cơ sở sản xuất - kinh doanh kẹo cu đơ của ông bà Thư - Viện ở phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh, chúng tôi ghi nhận hình ảnh tấp nập kẻ bán, người mua. Giáp Tết, mọi người đều vội vã nên việc mua bán trở nên nhanh gọn hơn.
Làng làm kẹo Cu Đơ tất bật dịp Tết
Bọc lại 2 chiếc kẹo vào giấy chống ẩm rồi buộc bên ngoài bằng chiếc bao bóng, sau đó cho vào hộp giấy, chị Nguyễn Thu Hồng, nhân viên cơ sở sản xuất - kinh doanh kẹo cu đơ, cho hay: "Mỗi ngày cơ sở chúng tôi bán ra rất nhiều, khó mà kiểm đếm được lượng khách hàng. Dịp cuối năm, nhân viên chúng tôi phải làm từ sáng cho đến tối muộn không lúc nghỉ tay".
Bà Đặng Thị Hương, chủ cơ sở, cho hay dịp Tết, cơ sở của bà đỏ lửa suốt ngày đêm để sản xuất kẹo song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. "Tết này, bình quân mỗi ngày cơ sở tôi làm ra hơn 4.000 chiếc kẹo, hàng sản xuất ngày nào bán hết ngày đó. Người dân Hà Tĩnh ở nhiều nơi trở về quê ăn Tết luôn nhớ tới cu đơ của ông bà Thư - Viện nên tới mua. Họ mua để thưởng thức và làm quà. Khách hàng mỗi ngày cũng phải 3.000-4.000 người" - bà khẳng định.
Bà Đặng Thị Hương , chủ cơ sở kẹo cu đơ ông bà Thư - Viện, bên những chiếc kẹo truyền thống
Theo bà Hương, gia đình bà bắt đầu làm kẹo cu đơ vào năm 1982. Lúc đó, gia đình chủ yếu làm để ăn và bán cho hàng xóm. Được nhiều người thích và hỏi mua nên gia đình quyết định làm nhiều hơn để bán.
"Người ta thường gọi cơ sở của gia đình tôi là "kẹo cu đơ ông bà Thư - Viện 2 cây dừa cụt". Lúc đó, trước nhà tôi có 2 cây dừa cụt ngọn. Tên gọi xưa cũ đó cũng in đậm trong tâm trí nhiều người" - bà Hương bồi hồi.
Cơ sở của bà Hương hiện có 8 công nhân. Có thời điểm, như dịp Tết, cơ sở phải thuê thêm khoảng 10 người làm việc thời vụ mới sản xuất đủ hàng.
Nhân viên tất bật làm kẹo cho kịp dịp Tết
Làm kẹo cu đơ cần nhiều nguyên liệu và công đoạn, mỗi cơ sở có công thức chế biến riêng. "Với thương hiệu cu đơ ông bà Thư - Viện thì từ trước tới nay vẫn thế. Nguyên liệu gồm đậu phộng, mật mía từ huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; bánh đa và gừng từ huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tùy vào độ ngọt của mật mía, để đảm bảo đúng vị của kẹo cu đơ truyền thống mà nhiều lúc chúng tôi phải thêm vào đường hoặc mạch nha" - bà Hương tiết lộ.
Đang ngồi chờ mua kẹo cu đơ, anh Trần Công - một người dân ở huyện Can Lộc, sinh sống và làm việc tại TP HCM - cho hay vì dịch bệnh và công việc nên 3 năm rồi, anh và gia đình mới về quê. Anh không quên tìm mua kẹo cu đơ để gia đình thưởng thức và mang vào TP HCM làm quà biếu anh em, bạn bè.
"Những người con xa quê như chúng tôi luôn nhớ đến hương vị kẹo cu đơ" - anh Công khẳng định.
Một khách hàng đang chờ nhận kẹo cu đơ
Kẹo cu đơ được ông Cu Hai (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) làm ra từ thời Pháp thuộc nên lúc đó được gọi là kẹo Cu Hai. Sau đó, vì nhiều lý do mà người dân quen gọi dần thành kẹo cu đơ (có ý kiến cho rằng trong tiếng Pháp, deux - đơ - có nghĩa là hai).
Tuy có xuất xứ từ huyện Hương Sơn nhưng hiện nay, trung tâm sản xuất kẹo cu đơ nằm ở TP Hà Tĩnh, mà một trong những cơ sở nổi tiếng nhất là của ông bà Thư - Viện.
Ngoài cơ sở này, TP Hà Tĩnh còn hơn 100 gia đình chuyên sản xuất kẹo cu đơ. Giá mỗi chiếc kẹo từ 5.000 đến 10.000 đồng, tùy kích cỡ.
Bình luận (0)