Ngày 16-6, Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 đã diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cùng Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam đồng tổ chức.
Cần bỏ những quy định không thực tiễn
Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật tại Việt Nam, cho biết nhiều DN Nhật tại Việt Nam vẫn gặp phải một vấn đề lớn trong việc thực thi - vận dụng pháp lệnh ở Việt Nam như việc yêu cầu những thủ tục, giấy tờ mà pháp lệnh không quy định, hay việc yêu cầu chi phí bôi trơn để có thể tiến hành thủ tục; có trường hợp không giải thích thống nhất về pháp lệnh dẫn tới việc DN không thể biết trước hoạt động của mình có vi phạm hay không…
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2017
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Tomaso Andreatta cho rằng nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam gặp vấn đề trong thủ tục mở văn phòng, từ thủ tục hành chính cấp địa phương đến trung ương. Việc này là do áp dụng chưa thống nhất các quy định pháp luật và chính sách liên quan đến thuế và hải quan, việc cấp phép sử dụng đất hay các yêu cầu khác.
Chỉ đích danh giấy phép con có tên là "đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm", ông Andreatta cho rằng yêu cầu này trái với một số quy định. "Yêu cầu đăng ký giấy phép con nói trên đã gây ra nhiều khó khăn cho DN, làm cản trở rất lớn tới quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa, trong khi không mang lại giá trị thực tiễn về quản lý an toàn thực phẩm" - ông Andreatta nhận xét.
Ông Karashima nhận định để tăng cường sức hấp dẫn của một nước sản xuất, vấn đề hết sức quan trọng là Việt Nam cần làm giàu môi trường công nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng ngoài khả năng cạnh tranh về chi phí lao động. Cần thiết tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách phát triển các DN nhỏ và vừa.
"Bên cạnh DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN tư nhân trong nước phải có được vị trí quan trọng mới trở thành động lực cho việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau này. Sự phát triển DN nhỏ và vừa hay ngành công nghiệp hỗ trợ với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ sẽ góp phần nâng cao sức hút đầu tư vào Việt Nam đối với DN nước ngoài, đặc biệt là DN chế tạo" - ông Karashima lưu ý.
Chọn lọc thu hút đầu tư
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá đang có sự "lệch pha" giữa DN FDI và DN trong nước về tăng trưởng. Quan điểm của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa DN FDI, kết nối sản xuất, đầu tư với DN trong nước để cả hai khối có sự phát triển đồng đều, đủ năng lực tham gia vào các chuỗi sản xuất có giá trị của thế giới. Việt Nam coi DN FDI là bộ phận hữu cơ quan trọng của nền kinh tế, thành công của DN FDI là thành công của Chính phủ Việt Nam và muốn DN FDI coi thành công của DN trong nước cũng là thành công của chính mình.
Phó Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI nhưng sẽ có chọn lọc, ưu tiên DN nước ngoài có lĩnh vực hoạt động phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; có sẵn chuỗi liên kết, quản trị tốt, sẵn sàng kết nối với DN Việt nam.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), ông Jonathan Moreno, nhấn mạnh việc giảm chi phí và tính phức tạp cho hoạt động kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho DN Việt Nam, trong đó đa phần là DN nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, giúp bảo đảm phát triển khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai.
Bàn về biện pháp kết nối DN FDI và DN trong nước nhằm đạt được sự tăng trưởng cho ngành ô tô, ông Sumito Ishii, trưởng nhóm công tác công nghiệp ô tô - xe máy của VBF, nhìn nhận vấn đề hiện nay là không đủ "quy mô kinh tế". Theo các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp linh kiện, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn rất nhỏ nên không có sự gia nhập đầy đủ của các công ty cung cấp linh kiện ô tô toàn cầu vào thị trường.
"Chúng tôi đang phải đương đầu với những bất lợi của sản xuất nhỏ và không đủ quy mô kinh tế trong nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô. Các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistics và thuế nhập khẩu. Điều này làm cho các chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan hoặc Indonesia. Khoảng cách chi phí sản xuất có thể lên tới khoảng 10%-20% sau khi loại bỏ thuế quan trong khối ASEAN vào năm 2018" - ông Ishii nói.
Ông Ishii khẳng định việc kết nối giữa DN trong nước và DN FDI là rất quan trọng cho cả DN và nền kinh tế quốc gia. Đối với ngành công nghiệp ô tô, ưu tiên số một là phải bảo đảm một thị trường tăng trưởng ổn định, trong khi từng bước tăng cường năng lực tham gia chuỗi cung ứng của các nhà cung cấp trong nước có sự hỗ trợ và liên kết của các DN FDI.
Hướng đến năng lượng sạch
Phó Chủ tịch EuroCham Tomaso Andreatta cho rằng muốn bắt kịp xu hướng hiện tại, Việt Nam phải lựa chọn rõ ràng và tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp của tương lai. "Chúng tôi tin tưởng rằng việc lựa chọn trở thành quốc gia sản xuất ô tô và xe máy điện sẽ biến Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch và ô tô. Đồng thời, việc này giúp mở đường cho Việt Nam để sản xuất pin năng lượng mặt trời cho các tòa nhà, liên tục bổ sung vào nguồn năng lượng tái tạo. Dĩ nhiên, kèm theo cần phải có kế hoạch tái chế pin đã qua sử dụng" - ông đề xuất.
Bình luận (0)