Theo báo cáo của tỉnh Hải Dương, năm 2022, vải thiều tại tỉnh có năng suất và sản lượng vượt trội. Với khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn, tăng 10% so với năm ngoái. Tỉnh tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 500 ha và 11 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha. Ngoài ra, gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản. Hải Dương dự kiến xuất khẩu khoảng 5.000 tấn vải đi các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, châu Âu, Singapore, Thái Lan...
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, còn diễn biến khó lường. Trong trường hợp việc thu mua vải thiều và nông sản bị ảnh hưởng do chính sách nhập cảnh ở các nước, tỉnh Hải Dương cần chủ động kết nối doanh nghiệp với các nhà thu mua, trung tâm thương mại, chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước; tổ chức các tuần hàng nông sản ở các tỉnh, thành phố.
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương quảng bá thương hiệu, thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu khác ở thị trường trong và nước ngoài" - ông khẳng định.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị tỉnh Hải Dương tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng; đẩy mạnh chế biến, nhất là đối với sản phẩm trái vải; mở rộng thị trường mới để chủ động hơn trong tiêu thụ nông sản nói chung.
Về phía đối tác nước ngoài, ông Túc Dược Vân, đại diện Hiệp hội Trái cây tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc, cho biết năm 2022, cơ quan này sẽ tiếp tục quảng bá, giới thiệu vải thiều Hải Dương cho các doanh nghiệp trong nước. Ông tin rằng năm 2022, số lượng vải thiều Việt Nam được tiêu thụ tại tỉnh Hồ Nam sẽ vượt xa con số 10.000 tấn năm 2021.
Trong khi đó, theo ông Tryfopolous, Giám đốc quản lý xuất nhập khẩu hoa quả tươi Công ty 4 Waysfresh (Úc), năm nay, doanh nghiệp dự kiến nhập khẩu số lượng vải thiều Việt Nam tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Bình luận (0)