xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khách hàng bị chiếm đoạt 245 tỉ đồng: Eximbank vẫn chần chừ

Thy Thơ

Eximbank vẫn giữ nguyên quan điểm chờ phán quyết của tòa án mới thực hiện việc hoàn trả tiền bị mất trong sổ tiết kiệm cho bà Chu Thị Bình

Sáng 6-3, lãnh đạo Ngân hàng (NH) Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và bà Chu Thị Bình - khách hàng VIP của NH này - tiếp tục có buổi làm việc để giải quyết vụ việc bà Bình bị mất toàn bộ số tiền (245 tỉ đồng) gửi tiết kiệm tại đây.

"Khởi kiện thì quá vô lý"

Tại buổi làm việc, Eximbank cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) - Bộ Công an vẫn đang điều tra theo trình tự tố tụng hình sự liên quan đến ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP HCM (hiện đã bỏ trốn). Đại diện của Eximbank một lần nữa đề nghị tạm ứng cho bà Bình số tiền 14,89 tỉ đồng để giải quyết khó khăn về tài chính và gia đình trong khi chờ phán quyết của tòa án. Eximbank cũng nhấn mạnh việc tạm ứng tiền không có nghĩa NH thừa nhận lỗi hoặc trách nhiệm nào với hành vi do ông Lê Nguyễn Hưng thực hiện. Đặc biệt, Eximbank còn yêu cầu bà Bình bảo mật thông tin thỏa thuận và số tiền tạm ứng…

Khách hàng bị chiếm đoạt 245 tỉ đồng: Eximbank vẫn chần chừ - Ảnh 1.

Bà Chu Thị Bình gặp gỡ báo chí chiều 6-3 để thông tin về toàn bộ vụ việc. Ảnh: Thy Thơ

Tuy nhiên, bà Bình không đồng ý và yêu cầu Eximbank sớm trả lại toàn bộ tiền bị mất trong sổ tiết kiệm của bà, không chờ phán quyết của tòa án. Đại diện Eximbank ghi nhận nhưng cho biết chưa thể trả lại tiền theo yêu cầu mà phải chờ phán quyết của tòa.

Theo bà Chu Thị Bình, sau gần một năm kể từ ngày bắt đầu làm việc với cơ quan điều tra, trình bày và đối chất với những người có liên quan tại C44, bà nhận được Công văn số 18/C44B-P5 ngày 2-2-2018 của C44 cho biết đã khởi tố vụ án và đang điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank Chi nhánh TP HCM, trong đó xác định Eximbank Chi nhánh TP HCM là bên bị hại. Bà Bình được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên NH phải có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định.

Bà Bình cho biết sau khi nhận được thông báo của C44 và Eximbank cũng đã được C44 thông báo về kết quả điều tra vào tháng 2-2018, bà đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với ngân hàng này. Tuy nhiên, Eximbank đều tìm cách né tránh trách nhiệm hoàn trả tiền gửi dù kết quả điều tra đã cho thấy các khoản tiền gửi này đã bị rút (thể hiện trên hệ thống của Eximbank) bởi chính nhân viên của Eximbank và đây là việc chiếm đoạt tiền gửi của NH. "Tuy Eximbank tuyên bố là sẽ bảo đảm quyền lợi cho khách hàng nhưng lại lấy lý do chờ quyết định cuối cùng của tòa án và chỉ tạm ứng một khoản tiền nhỏ là cố tình kéo dài thời gian đàm phán, thể hiện sự xâm phạm đến quyền lợi của tôi" - bà Bình nói.

Khi phóng viên Báo Người Lao Động hỏi tại sao không khởi kiện Eximbank đòi lại tiền, bà Bình cho rằng nếu khởi kiện thì quá vô lý bởi pháp luật quy định chủ số tiết kiệm yêu cầu rút tiền thì mặc nhiên NH phải chi trả. "Giả sử toàn bộ người gửi tiền bị mất, họ cũng phải khởi kiện NH, chờ tòa án phán quyết mới đòi được tiền hay sao? Tuy nhiên, nếu Eximbank cố tình kéo dài thời gian chi trả, tôi sẽ có nhiều giải pháp để đòi lại tiền. Khởi kiện Eximbank là giải pháp cuối cùng" - bà Bình kiên quyết.

Trong khi đó, luật sư Phan Trung Hoài - người tham gia tố tụng vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank Chi nhánh TP HCM liên quan đến ông Lê Nguyễn Hưng - cho biết việc bà Bình khởi kiện Eximbank là được nhưng từ đây sẽ tạo ra tiền lệ nếu người gửi bị mất tiền đều phải khởi kiện NH, ảnh hưởng không tốt hoạt động của ngành NH lẫn tình hình kinh tế - xã hội.

"Tại sao tiền của mình bị rút suốt thời gian dài mà bà không hay biết? Dư luận hoài nghi bà giao cho ông Hưng sử dụng tiền để làm ăn chung nhưng do bà sơ hở dẫn đến việc ông Hưng rút tiền?" - phóng viên Báo Người Lao Động đặt vấn đề. Bà Bình khẳng định không có bất kỳ quan hệ làm ăn gì với ông Hưng cũng như Eximbank ngoài chuyện gửi tiết kiệm. Ngoài ra, bà Bình bắt đầu giao dịch với Eximbank từ nhiều năm trước. Thời gian đầu chưa có dịch vụ báo tin nhắn SMS thông báo số dư tài khoản thay đổi hay giao dịch qua Internet Banking. Nhưng khi có các dịch vụ này, Eximbank cũng không thông báo, không hướng dẫn gì cho bà. "Eximbank nói tôi là khách hàng VIP và ông Hưng có trách nhiệm giao dịch. Thế nhưng, khi ông Hưng bỏ ra nước ngoài cả tháng, Eximbank cũng không thông báo cho tôi biết. Đến khi tôi rút 49 tỉ đồng thì Eximbank mới báo tiền không còn trên hệ thống. Khi đó, tôi mới biết sự việc ông Hưng đã bỏ trốn và toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm của mình bị người khác rút hết" - bà Bình kể.

Khách hàng bị chiếm đoạt 245 tỉ đồng: Eximbank vẫn chần chừ - Ảnh 2.

Về vụ việc số tiền hơn 245 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm bị “bốc hơi”, đến thời điểm này vẫn chưa tìm được hướng giải quyết Ảnh: TẤN THẠNH

Ủy quyền không có giá trị pháp lý

Khi phóng viên Báo Người Lao Động đề cập có hay không việc bà Bình ủy quyền khống cho người khác giao dịch tiền gửi? Bà Bình cho biết khi được C44 mời lên làm việc, đối chiếu tài liệu, chứng từ và đối chất với những người liên quan, bà mới được biết trong hồ sơ tài khoản gửi tiết kiệm của mình tại Eximbank có 2 giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Đăng Phong (ủy quyền rút 6 sổ tiết kiệm) và bà Nguyễn Thị Hồng Lê (ủy quyền rút 25 sổ tiết kiệm). Trong giấy ủy quyền có chữ ký của người ủy quyền "bà Chu Thị Bình", chữ ký của người được ủy quyền "bà Lê" và chữ ký của nhân viên Eximbank.

Bà Bình khẳng định mình không làm các giấy ủy quyền này vì không quen biết, không có bất cứ giao dịch hay thỏa thuận, ủy quyền cho những cá nhân trên làm bất cứ việc gì liên quan việc rút tiền trong các sổ tiết kiệm.

Ngoài ra, khi được làm việc tại C44 và đối chất, bà mới được biết ông Lê Nguyễn Hưng đã ký giả chữ ký "Lê" của bà Nguyễn Thị Hồng Lê (là người nhà của vợ ông Hưng). Còn ông Nguyễn Đăng Phong xác định đã ký vào chỗ người được ủy quyền và khi ký thì ông thấy có chữ ký của bà Bình nhưng chưa ghi tên và nội dung. Ông Nguyễn Đăng Phong và bà Nguyễn Thị Hồng Lê cũng xác nhận không biết bà Chu Thị Bình, chưa từng gặp gỡ hay có bất kỳ liên hệ hoặc giao dịch nào với bà Bình.

Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ 2 giấy ủy quyền nói trên không được lập với sự có mặt của bà Bình hay người được ủy quyền (ông Phong, bà Lê); nhân viên NH cũng chưa từng kiểm tra các giấy tờ cá nhân của người được ủy quyền, người ủy quyền theo quy định. Hơn nữa, các nội dung trên giấy ủy quyền này không phải do bà Bình ghi nên bà hoàn toàn không biết gì về các nội dung ủy quyền này.

Theo luật sư Đinh Ánh Tuyết (Đoàn Luật sư TP Hà Nội ), việc ủy quyền không được lập tại Eximbank với sự có mặt của người ủy quyền (bà Bình) và người nhận ủy quyền hay được công chứng chứng thực; người ủy quyền hoàn toàn không biết và không có quan hệ với người nhận ủy quyền là không có giá trị pháp lý. Do đó, các giao dịch ủy quyền hay rút tiền có chữ ký của bà Bình được coi là giao dịch vô hiệu. Bà Bình không phải chịu trách nhiệm bởi bà hoàn toàn không nhận được số tiền bị rút, mà số tiền này thuộc trách nhiệm quản lý của Eximbank đã bị ông Hưng chiếm đoạt theo kết quả điều tra của C44.

"Có thể thấy chính sự gian dối của ông Lê Nguyễn Hưng, sự thiếu kiểm soát trong hệ thống quản trị của Eximbank trong một thời gian dài đã tạo điều kiện cho ông Lê Nguyễn Hưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm giấy ủy quyền có nội dung giả mạo" - luật sư Tuyết nhận định.

Ngân hàng phải chịu trách nhiệm

Theo luật sư Phan Trung Hoài, mặc dù có chữ ký của bà Chu Thị Bình trên 2 giấy ủy quyền nhưng ông Lê Nguyễn Hưng và các nhân viên của Eximbank đã không thực hiện đúng quy định về trình tự thủ tục thực hiện ủy quyền. Vì vậy, các giao dịch rút tiền theo ủy quyền đều không có giá trị pháp lý và việc rút tiền được thực hiện bởi các nhân viên của Eximbank nên NH này phải chịu trách nhiệm nếu để mất tiền.

"Còn xét trong mối quan hệ dân sự, giao dịch gửi và nhận tiền gửi tiết kiệm giữa bà Bình và Eximbank là giao dịch vay và cho vay. Theo quy định tại điều 161 khoản 1 Bộ Luật Dân sự 2015, sau khi nhận tiền gửi, Eximbank sẽ trở thành chủ sở hữu của số tiền đó và phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng cũng như mất mát, rủi ro của số tiền. Mặt khác, pháp luật cũng quy định Eximbank phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn tiền gửi cho khách hàng. Do đó, không thể lấy lý do một số giấy ủy quyền cho phép rút tiền khỏi tài khoản của bà Bình có chữ ký của bà Bình để chối bỏ trách nhiệm tất toán các sổ tiết kiệm theo yêu cầu của khách hàng. Bởi lẽ, nội dung và hình thức của các giấy ủy quyền này là giả mạo, không có thật, vi phạm quy định của pháp luật và chính quy chế nội bộ của Eximbank" - luật sư Phan Trung Hoài nhận định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo