Bà Kelly Lương, Giám đốc Công ty Beyond World, cho biết doanh nghiệp (DN) này đang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) chuẩn bị kế hoạch đưa đoàn DN Việt Nam sang Malaysia khảo sát, gặp gỡ trực tiếp một số nhà nhập khẩu sản phẩm Halal (tiêu chuẩn riêng của người Hồi giáo: không có thành phần thịt heo, thịt chó, chất có cồn...).
Cơ hội lớn chưa từng có
Theo bà Kelly Lương, sau hội thảo xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia do ITPC, Phòng Thương mại phát triển các DN Malaysia tại nước ngoài và Công ty Beyond World tổ chức vào đầu tháng 6-2022, rất nhiều nhà xuất khẩu liên hệ với công ty bà để tìm cơ hội đưa hàng sang thị trường Halal trong khu vực ASEAN. Công ty đã kết nối thành công cho một số DN chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam bán hàng sang Malaysia, trong đó có các thương hiệu lớn như Bidrico, TH True Milk...
Thương hiệu cà phê Meet More vẫn đang tìm cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước có người Hồi giáo ở khu vực ASEAN
Các đại sứ Việt Nam tại Malaysia, Indonesia nhìn nhận sự đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng dịch COVID-19 và căng thẳng Nga - Ukraine đang tạo ra cơ hội lớn chưa từng có cho DN xuất khẩu Việt Nam. Chẳng hạn, Malaysia đang thiếu hụt thịt gà và gạo nên muốn mở rộng nhập khẩu từ thị trường Việt Nam. Riêng mặt hàng gạo, nước này đã nâng hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam từ 520.000 tấn/năm lên 700.000 tấn/năm trong bối cảnh Nga, Ukraine ngừng xuất khẩu lúa mì.
Với Indonesia, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC, nhận định đất nước 270 triệu dân này là một trong những thị trường nhập khẩu có tiềm năng rất lớn của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Indonesia đạt 11,4 tỉ USD, tăng 40% so với năm 2020. Riêng 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đạt 8,073 tỉ USD, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Indonesia, thủy sản và cà phê chiếm số lượng tương đối lớn.
Nhiều DN đánh giá Indonesia là thị trường dễ tính hơn so với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Ngoài ra, sự tương đồng về văn hóa, khoảng cách địa lý gần, ưu đãi thuế quan trong nội khối... là những lợi thế cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường này.
Khó cạnh tranh về giá
Xác định thị trường thực phẩm Halal trên thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng rất tiềm năng nên nhiều DN xuất khẩu tại Việt Nam đã chủ động thâm nhập. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm gồm: hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Tuy nhiên, đa số DN mới chỉ xuất khẩu lô hàng nhỏ, chủ yếu thăm dò và làm quen thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Luận - người sáng lập, Giám đốc điều hành Meet More Coffee - cho biết công ty đã xuất khẩu sản phẩm chế biến từ cà phê và nông sản sang một số quốc gia Hồi giáo ở khu vực Trung Đông từ 1 năm nay nhưng số lượng rất khiêm tốn, chỉ bằng 1/10 tổng sản lượng xuất khẩu. Tại một số thị trường gần như Malaysia, Indonesia, Brunei, DN chưa ký kết được đơn hàng nào. "Rất khó xúc tiến bán hàng vào thị trường Halal. Dù chúng tôi đã chủ động xúc tiến hoặc một số nhà mua hàng ở nước bạn nhiều lần kết nối song không dễ tìm tiếng nói chung" - ông giải thích.
Theo ông Luận, ngoài yêu cầu chứng nhận Halal và dây chuyền sản xuất riêng cho sản phẩm Halal, 2 bên còn phải thống nhất về giá bán. Hiện có sự so sánh về giá bán giữa các nhà xuất khẩu Việt Nam và một số nước trong khu vực, nhất là Thái Lan.
DN Việt Nam đi sau Thái Lan rất nhiều năm trong công nghệ chế biến sâu nên rất khó cạnh tranh về giá. Vì vậy, dù thị trường Halal rất tiềm năng nhưng DN này dự kiến sau khi đã thâm nhập và vững vàng ở thị trường xa như Mỹ, châu Âu... mới quay về chinh phục thị trường khu vực.
Giám đốc một DN chế biến thủy sản tại TP HCM cũng cho biết chưa tìm được cơ hội bán hàng sang các thị trường Halal ở ASEAN dù đã xuất khẩu thành công sang khu vực Trung Đông nhiều năm nay. Nguyên nhân chính là do các nước ASEAN có nhiều điểm tương đồng về sản phẩm nên hàng Việt không có lợi thế cạnh tranh về giá.
Theo ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, hầu hết nhà mua hàng Indonesia, Malaysia mong muốn DN xây dựng nhà xưởng riêng để sản xuất hàng cho họ.
Trong khi đó, dây chuyền sản xuất riêng cho sản phẩm Halal trong nhà xưởng của DN Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa đủ để nhà mua hàng yên tâm. Ở giai đoạn làm quen thị trường, việc đầu tư nhà xưởng riêng để phục vụ đơn hàng nhỏ là không khả thi.
"Cộng đồng người Hồi giáo tại Việt Nam có quy mô nhỏ, không tham gia sản xuất - kinh doanh lương thực, thực phẩm cũng là điểm hạn chế. Thị trường Halal trong khu vực còn nặng về tự cấp, tự túc hoặc mua hàng từ quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống, làm ăn. Chẳng hạn, Indonesia có chính sách tự chủ về lương thực, thực phẩm cùng hàng rào phi thuế quan được áp dụng thường xuyên đã gây không ít trở ngại cho DN xuất khẩu Việt Nam" - ông Dũng chỉ ra thêm.
Cần xây dựng thương hiệu
Ông Trần Việt Thái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, lưu ý ngoài yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ Halal, các DN Việt cần xây dựng thương hiệu và đưa thương hiệu cao cấp của Việt Nam đến với người tiêu dùng Malaysia nhiều hơn nữa. Đặc biệt, sản phẩm nông sản, thủy hải sản phải bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vùng nguyên liệu cùng những quy định riêng của thị trường Halal.
Bình luận (0)