Chiều 12-9, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị "Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc" với sự tham dự và chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, diện tích sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và cấp mã số khoảng 3.000 ha, sản lượng dự kiến 68.000 tấn/năm nhưng sản lượng các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc lên đến 1,3 triệu tấn. Do đó, nếu không kiểm soát chặt chẽ và không tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, không bảo đảm chất lượng hàng hóa, có nguy cơ mất uy tín và làm mất thị trường.
Nhu cầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc lớn hơn nhiều so với khả năng cung ứng từ các vùng trồng
Về cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thông tin Việt Nam có hơn 85.000 ha trồng sầu riêng (hơn 50% đã cho thu hoạch) nên diện tích sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt mới chỉ chiếm hơn 3,5%. Nếu tính thêm phần diện tích sầu riêng đã nộp hồ sơ mã số vùng trồng chờ Trung Quốc phê duyệt lần 2 thì tổng diện tích cũng chỉ mới đạt khoảng 7%, rất nhỏ so với toàn bộ diện tích ngành hàng sầu riêng Việt Nam.
"Từ nay đến cuối năm, chỉ có 26/51 vùng trồng được Trung Quốc phê duyệt cho thu hoạch, chủ yếu tại Đắk Lắk (23 vùng trồng), sản lượng thu hoạch ước tính 13.000 – 14.000 tấn/tháng. Trong 25 nhà đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt, đã có 20 doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc với lượng xuất khẩu hằng năm lên đến 1,3 triệu tấn, gấp nhiều lần sản lượng mà các vùng trồng có thể cung cấp.
Nhu cầu xuất khẩu lớn trong khi vùng trồng được phê duyệt còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh, gian lận trong xuất khẩu và hiện tượng này đã manh nha diễn ra.
Hiện nay, ở cửa khẩu đã có 1 số lô hàng sầu riêng chờ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chủ hàng chưa có ủy quyền từ vùng trồng hoặc khai báo vùng trồng từ những nơi sầu riêng còn đang ra hoa, chưa đến thời kỳ thu hoạch.
Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam bị mất thị trường, mất công sức 4 năm đàm phán với Trung Quốc và việc đàm phán lại sẽ gian khó hơn nhiều" – bà Thu Hương nhận định.
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang "nóng"
Tại hội nghị, ông Hoàng Trung khẳng định hiện nay, Việt Nam chưa có lô hàng sầu riêng nào đáp ứng được quy định của nghị định thư xuất khẩu sầu riêng nên chưa cấp giấy kiểm dịch thực vật xuất khẩu.
Ông Hoàng Trung cũng thông tin, cuối tuần này, tại Đắk Lắk sẽ diễn ra lễ công bố lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc và đầu tuần tới, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu đại trà nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật chủ trì tổ chức chương trình xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc một cách bài bản, chỉn chu, không để tình trạng "chưa gì đã lộn xộn ở biên giới".
Bộ trưởng kêu gọi các chủ thể tham gia ngành hàng sầu riêng thành lập ban vận động thành lập hội ngành hàng sầu riêng để cùng nhau xây dựng thương hiệu, tránh tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh".
Bình luận (0)