Sản phẩm nông - lâm - thủy sản của Việt Nam dù đã chinh phục được nhiều thị trường quốc tế song xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung vào 4 thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn luôn phải tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường, tìm khách hàng mới nhằm giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tăng lợi thế hàng hóa.
Bất ngờ với thị trường gần
Ngay khi thấy Facebook của một người bạn đăng thông tin về một siêu thị hàng Việt tại Campuchia, ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (tỉnh Thanh Hóa), liền xin thông tin về siêu thị này để liên hệ chào hàng. "Cách đây 3 năm, có đối tác ở Lào chủ động liên hệ chúng tôi để nhập khẩu mắm tôm, mắm tép, nước mắm và duy trì mua hàng đến nay. Dù chất lượng hàng xuất khẩu luôn đồng nhất, thủ tục xuất khẩu sang Lào đơn giản hơn so với Nhật Bản rất nhiều, gần giống đưa hàng vào siêu thị trong nước. Thực tế, có những thị trường gần không được DN để ý và bỏ qua cơ hội. Trong khi chi phí đầu tư ban đầu để xuất khẩu sang Nhật, Mỹ rất lớn nên DN cần có đơn hàng lớn và sau một thời gian mới có lợi nhuận thì với thị trường gần, đơn hàng xuất khẩu đầu tiên đã có lãi dù không nhiều" - ông Lê Anh so sánh.
Theo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,6 tỉ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia khá đa dạng, trong đó có thực phẩm chế biến, bánh kẹo và ngũ cốc. "Việt Nam và Campuchia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng. DN Việt Nam đã có sự hiện diện khá lâu và đông đảo tại Campuchia. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để DN Việt tranh thủ gắn bó, hợp tác đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu, rộng tại thị trường nước bạn" - đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhận xét.
Các loại gia vị Việt được bán tại một siêu thị ở Campuchia
Tại thị trường Thái Lan, hệ thống bán lẻ Central Group đang triển khai chương trình "Vải thiều Việt Nam" với nguồn hàng là vải thiều tươi chính vụ từ tỉnh Bắc Giang. Đại diện DN cung cấp hàng cho Central Group cho biết Thái Lan cũng có trồng vải nên người tiêu dùng tại đây đã biết đến loại quả này. Tuy nhiên, hiện không phải mùa thu hoạch vải thiều Thái Lan. Do vậy, tiềm năng của vải thiều Việt Nam tại thị trường Thái Lan là khá lớn. Ngoài ra, thị trường này gần nên chi phí vận chuyển thấp; không phải chiếu xạ như xuất khẩu sang thị trường khác.
Mặt hàng mật ong gần đây cũng phải nỗ lực thâm nhập thị trường mới như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... sau khi Mỹ - thị trường chiếm gần 90% tỉ trọng xuất khẩu của mật ong Việt Nam - đưa ra rào cản thuế chống bán phá giá ở mức 60% từ tháng 5 vừa qua. Ông Lê Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, cho hay từ đầu năm đến nay, các thị trường thay thế đều có tăng trưởng dù chưa thể bù đắp phần thiếu hụt của thị trường Mỹ. "Ngành ong đang cố gắng chuyển đổi quy trình nuôi và chế biến theo tiêu chuẩn của những thị trường tiềm năng mới để tăng sản lượng xuất khẩu" - ông Vân cho hay.
Tận dụng sàn thương mại điện tử quốc tế
Bà Lê Tú Uyên, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu đồ gỗ mỹ nghệ Love Natural (một DN xuất khẩu có hiệu quả trên sàn Alibaba.com), cho hay nếu DN đã có kinh nghiệm xuất khẩu theo cách truyền thống hoặc kinh nghiệm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) nội địa thì sẽ có đơn hàng sau 1 tháng kể từ khi đưa lên Alibaba.com. "Một số DN nhỏ chưa có kinh nghiệm, khi xuất khẩu thường hướng đến thị trường lớn như Mỹ trong khi để đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này, DN phải đầu tư lớn về cơ sở vật chất, giấy phép. DN nhỏ với nguồn lực tài chính có hạn nên bắt đầu với những thị trường đòi hỏi ít điều kiện để tích lũy vốn và kinh nghiệm" - bà Uyên chia sẻ kinh nghiệm.
Bà Lê Tú Uyên cho hay đang hướng đến xuất khẩu sản phẩm chế biến để gia tăng lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh. Bà Uyên phân tích: DN có thể dễ dàng bán vài container cà phê nguyên liệu mỗi tháng nhưng lợi nhuận thấp. Chưa kể, khách hàng trên sàn TMĐT thường dễ thay đổi đơn hàng nếu tìm thấy nhà cung cấp có giá cạnh tranh hơn. Còn với cà phê rang xay, chỉ cần xuất khẩu 600 kg thì lợi nhuận đã bằng 1 container nguyên liệu. Tuy nhiên, DN cần phải đầu tư đường dài thì mới đạt được mục tiêu xuất khẩu sản phẩm chế biến.
Ông Huỳnh Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm TMĐT - Công ty OSB (đại lý ủy quyền chính thức của Tập đoàn Alibaba), cho hay nông sản Việt Nam rất được quan tâm trên sàn Alibaba.com. Trung bình có 15 khách hàng tiếp cận một sàn TMĐT Việt Nam mỗi ngày trên Alibaba.com. Với hệ thống khách hàng ở 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, cơ hội cho DN Việt xuất khẩu trực tuyến là rất lớn. "Gần đây, có một số thị trường gia tăng nhu cầu đối với nông sản Việt, như: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Nga, các nước châu Phi... DN Việt có thể tận dụng cơ hội này" - ông Hòa thông tin.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam, nhìn nhận thông qua các sàn TMĐT quốc tế, DN Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều khách hàng trên toàn thế giới một cách đơn giản, tiết kiệm chi phí so với cách truyền thống là đến các hội chợ quốc tế, gặp gỡ từng khách hàng... Hiện DN Việt Nam có thể xuất khẩu trực tuyến thông qua 2 sàn Alibaba.com (bán sỉ gần như toàn thế giới) và Amazon.com (bán lẻ trên các quốc gia Amazon hiện diện) với mô hình khác nhau.
Bình luận (0)