Theo các tiểu thương, TP HCM đã hứa dùng toàn bộ 217 tỉ đồng cho thuê quầy sạp từ năm 2012 đến 2016 để sửa chữa, nâng cấp chợ và UBND quận 5 hứa nâng cấp, sửa chữa 4 mặt tiền chợ trong tháng 6-2017 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
UBND quận 5 còn hứa tháng 10-2017 sẽ lắp máy lạnh toàn trung tâm, gắn đồng hồ điện cho từng hộ kinh doanh nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. "Hiện tiểu thương ở đây không biết mỗi tháng sạp mình xài bao nhiêu KWh điện, số tiền mình đóng đã tính đúng chưa. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, quận hứa lần hứa lượt từ tháng 6, kéo sang 7, rồi hứa đến ngày 1-8 sẽ gắn đồng hồ nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Mới đây, chúng tôi nghe thông tin là gắn 1.700 đồng hồ điện cho toàn chợ tốn kinh phí hơn 2 tỉ đồng nên phải tiến hành đấu thầu. Chúng tôi đã chủ động liên hệ bên Điện lực Chợ Lớn và được họ trả lời là chi phí gắn mỗi đồng hồ điện khoảng 400.000 đồng, vậy chi phí cho 1.700 đồng hồ chỉ 680 triệu đồng. Nếu trong tháng 8 này không gắn xong đồng hồ điện cho tiểu thương thì đề nghị UBND quận tự trích tiền thừa (từ tiền điện lâu nay thu của tiểu thương) để đóng tiền điện cho chúng tôi. Ngoài ra, phải công khai cho tiểu thương biết sẽ gắn đồng hồ điện hiệu gì, chi phí bao nhiêu" - đại diện tiểu thương bức xúc.
Chợ An Đông đã xuống cấp từ nhiều năm qua Ảnh: Tấn Thạnh
Bà Trương Thị Minh Kiều, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết đã thống nhất trong tháng 8 sẽ gắn đồng hồ điện, nếu không gắn kịp thì không thu tiền của tiểu thương mà trích tiền thừa từ tiền điện thu hằng tháng đóng tiền điện tháng 8.
Sau khi nghe những phản ứng của tiểu thương, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo UBND quận 5 khẩn trương rà soát các kiến nghị của tiểu thương, trong tuần sau báo cáo cho UBND TP HCM; trên cơ sở đó UBND
TP HCM sẽ khẩn trương giải quyết cho tiểu thương những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP. "UBND quận và ban quản lý chợ phải xem lại cách làm vì thời gian qua việc quản lý của quận và ban quản lý chợ chưa ổn, gây bức xúc cho tiểu thương. Phải tích cực rà soát lại cách điều hành trong thời gian qua để khắc phục, sửa sai. Chợ An Đông được quy hoạch là chợ sỉ quy mô lớn ở TP HCM và là điểm đến của du khách nên việc sửa chợ phải kỹ lưỡng; ban quản lý phải ý thức việc sửa chợ như sửa nhà mình, cũng là nhà của bà con tiểu thương và lắng nghe ý kiến chia sẻ của tiểu thương để làm cho tốt" - ông Tuyến nhấn mạnh.
Ông Tuyến đánh giá chợ An Đông đã quá xuống cấp, dù việc sửa chữa, nâng cấp nằm trong thẩm quyền của quận 5 nhưng UBND TP HCM sẽ sát cánh với quận trong việc này. "Mục tiêu đến hết năm nay chợ sẽ khang trang hơn, tiểu thương vui hơn và buôn bán hiệu quả hơn" - ông Tuyến yêu cầu.
Bình luận (0)