Tại hội thảo "Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của ĐBSCL" do Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và hội chợ triển lãm TP Cần Thơ phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức ngày 23-4, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết ĐBSCL đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu vận tải sản lượng nông thủy sản trong vùng hơn 62,2 triệu tấn. Tuy nhiên, hằng năm, các nhà máy tại ĐBSCL vận chuyển từ 2-3 triệu tấn thủy hải sản, 6-7 triệu tấn gạo, khoảng 3 triệu tấn trái cây đến hệ thống kho và cảng ở TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Rồi từ đây, hàng hóa mới được xuất khẩu đi châu Âu (mất từ 18-26 ngày), Nhật - Hàn (từ 5-7 ngày), Mỹ (22-30 ngày)…
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cái Cui (quận Cái Răng, TP Cần Thơ)
"ĐBSCL đóng góp lượng nông sản xuất khẩu rất lớn nhưng hàng hóa trong vùng phải đưa lên các cảng ở TP HCM và cảng Cái Mép - Thị Vải để xuất khẩu. Trước hội nghị xúc tiến đầu tư ở Cần Thơ, chúng tôi có bàn với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đưa tàu quốc tế vào cảng Cái Cui (TP Cần Thơ) nhưng không thành công do luồng không tốt" - ông Nam nói.
Theo Bộ Công Thương, năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,79 tỉ USD, xuất khẩu mặt hàng trái cây đạt 3,81 tỉ USD. "Tuy nhiên, qua các số liệu thống kê trong ít nhất 5 năm trở lại đây, chi phí logistics cho xuất khẩu thủy sản và trái cây chiếm khoảng 20%-25% giá thành, khá cao so với các nước trong khu vực (chỉ từ 10%-15%). Kết nối hạ tầng logistics trong khu vực còn nhiều bất cập, ngay cả các cơ quan trung ương và địa phương còn chưa rõ nên phát triển theo hướng nào là hiệu quả" - ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, nhận định.
Theo lãnh đạo VLA, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu đủ khả năng phục vụ tàu vận chuyển container xuất khẩu. Về đường bộ, vùng ít có đường cao tốc, hệ thống giao thông thiếu kết nối. Trong khi đó, một số cảng trọng điểm tại TP HCM lại thường quá tải, tạo điều kiện cho các hãng tàu lấy cớ tăng phí dịch vụ, doanh nghiệp tốn phí lưu kho bãi, thời gian chờ đợi…
Trong khi đó, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, cho rằng những vướng mắc ở ĐBSCL là thiếu hệ thống kho lạnh (toàn vùng chỉ có 6 kho lạnh) cho các sản phẩm chủ lực. Đến mùa cao điểm, thường không đủ xe lạnh và kho lạnh. Dịch vụ chiếu xạ, hấp nhiệt vẫn còn yếu… "Trái cây khi cắt xuống phải đưa vào làm mát nhưng không đủ kho lạnh. Các trung tâm đóng gói trái cây đa số nằm ở TP HCM, mất thêm thời gian vận chuyển. Vì vậy, cần có trung tâm đóng gói trái cây ở Cần Thơ, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp vừa bảo đảm trái cây xuất khẩu vẫn tươi ngon" - ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, gợi ý.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, nói: "Tập đoàn có 2 nhà máy tại Cà Mau và Hậu Giang, mỗi năm phải tốn hơn 60 tỉ đồng chi phí vận chuyển tôm lên TP HCM để xuất khẩu đi các nước. Hiện nay, giá tôm Việt Nam luôn cao hơn tôm Ấn Độ và Indonesia từ 1-2 USD/kg. Nếu ĐBSCL có được trung tâm logistics đặt tại TP Cần Thơ thì sẽ giảm chi phí vận chuyển, góp phần giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của mặt hàng tôm trên thị trường quốc tế".
Cần Thơ xây trung tâm logistics hàng không
Ông Trương Quang Hoài Nam thông tin Chính phủ vừa đồng ý cho Cần Thơ tiến hành quy hoạch trung tâm logistics hạng 2 với diện tích 242,2 ha đặt tại quận Cái Răng. Đây cũng là điểm kết nối với ga đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ trong tương lai và cảng Cái Cui. Vừa qua, Thường trực UBND TP cũng đã quyết định dành 300 ha đất xung quanh sân bay quốc tế Cần Thơ để xây dựng trung tâm logistics hàng không. Ngoài phục vụ các hãng hàng không, trung tâm này cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản cho vùng ĐBSCL.
Bình luận (0)