Ngày 6-7, tại khu vực dưới chân núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Tập đoàn Sao Mai tổ chức lễ khánh thành nhà máy điện mặt trời với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ ngành, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang.
Đại diện lãnh đạo các bộ ngành và tỉnh An Giang thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành nhà máy điện mặt trời tại vùng Bảy Núi do Tập đoàn Sao Mai đầu tư
Theo đó, nhà máy điện mặt trời này có tên gọi là Sao Mai Solar PV1 do Tập đoàn Sao Mai làm chủ đầu tư có tổng vốn gần 6.000 tỉ đồng với tổng công suất phát điện 210 MWp và trải dài trên diện tích 275 ha, được chia làm 2 giai đoạn. Dự án được thi công bởi nhà thầu Sterling Wilson - Tập đoàn hàng đầu Ấn Độ về công nghệ năng lượng tái tạo chịu trách nhiệm thực hiện và công ty Tư vấn III, Bộ Công thương thiết kế. Giai đoạn I, có kinh phí đầu tư gần 3.000 tỉ đồng, công suất 104 MWp, xây dựng trên diện tích 120 ha, đã khởi công vào giữa tháng 2-2019. Giai đoạn II của dự án sẽ được chủ đầu tư đóng điện trước 31-12-2019.
Chỉ trong vòng 4 tháng tăng tốc thi công, Sao Mai phải huy động khoảng 2.000 cán bộ, kỹ sư, tư vấn, giám sát, lao động là nguồn nhân lực của tập đoàn và Sterling Wilson. Đặc biệt, đại công trường Sao Mai Solar PV1 tọa lạc dưới chân Núi Cấm còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động công nhật người Khmer với mức thu nhập từ 250.000 – 300.000 đồng người/ngày. Nhà máy Điện mặt trời Sao Mai tại An Giang đã sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ nhập khẩu hơn 800 container với khoảng 8.000 tấn thiết bị linh kiện có công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Trong đó, hơn 300.000 tấm pin NLMT được lắp ráp trên trụ đỡ cao 1,8 mét, sử dụng 38 Inverter và 60.000 trụ đỡ kết nối với hơn 1 triệu mét cáp.
Nhà máy dđiện mặt trời khổng lồ dưới chân núi Cấm.
Cùng thời gian này, Nhà máy Điện mặt trời tại Long An (Sao Mai Solar PV2) có công suất 50MW, vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng cũng phát điện thương mại thành công. Một lĩnh vực mới đòi hỏi nhà đầu tư phải có năng lực thực sự để hội nhập. Trong vòng 4 tháng, Sao Mai đồng thời đưa vào khai thác 2 nhà máy điện mặt trời ở Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đã cho thấy sức lan tỏa của dự án năng lượng tái tạo không chỉ góp phần vào tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân mà còn tạo nên những giá trị to lớn khác, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, biến vùng khó khăn khô cằn trở nên màu mỡ để chuyển dịch kinh tế, tái cơ cấu đất đai và hình thành thị trường bất động sản công nghiệp thu hút nhà đầu tư thứ cấp đổ bộ.
Để trở thành nhà cung cấp điện mặt trời hàng đầu quốc gia, Tập đoàn Sao Mai đang có nhiều dự án ở 1 số tỉnh: Bến Tre (50 MW), Kiên Giang (250MW), Tây Ninh (700ha, 500MW), Ninh Thuận (100MW), Bình Thuận (150MW), Đắk Lắk (400 MW, diện tích 500 ha). Đây là những địa phương có nhiều lợi thế để khai thác năng lượng tái tạo hiệu quả nhất.
Hiện tại, Sao Mai có hơn 10.000 lao động làm việc trong 17 công ty thành viên trải rộng qua 12 tỉnh thành trong cả nước. Sắp tới, Sao Mai Group sẽ trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành với nhiều chiến lược sản xuất kinh doanh trọng yếu: Bất động sản, nuôi trồng & chế biến thủy sản xuất khẩu, dịch vụ du lịch, lương thực, đào tạo và xuất khẩu lao động, nhà sản xuất dầu ăn từ cá đầu tiên trên thế giới và lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nếu theo chiến lược này, chỉ trong vòng vài năm tới, Sao Mai sẽ có 20.000 lao động trên toàn quốc và nước ngoài.
Bình luận (0)