Nghị định 105/NĐ-CP về kinh doanh rượu đã quy định cấm bán rượu 15 độ cồn trở lên trên mạng internet. Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia thậm chí còn cấm bán tất cả các loại bia, rượu trên mạng.
Quy định cho có
Cơ quan quản lý nhà nước lý giải việc đưa ra quy định cấm nhằm hạn chế hoạt động buôn bán bia, rượu tự do dễ dẫn đến những tác hại từ việc sử dụng bia, rượu quá mức có thể gây ra tác hại về mặt sức khỏe, tinh thần, an ninh trật tự.
Tuy vậy, theo giới chuyên gia và doanh nghiệp, quy định cấm buôn bán rượu trên mạng internet có thể rơi vào tình trạng hình thức, quy định cho có, không hiệu quả quản lý về mặt thực tế.
Bởi dù có quy định cấm song những người có nhu cầu chỉ cần lên Google gõ từ khóa "rượu ngoại" sẽ hiện ra hàng trăm website bán rượu các loại, giá bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Bên cạnh đó, không ít tài khoản Facebook, Zalo cũng quảng cáo bán từ rượu vang đến rượu mạnh, rượu ngoại và cả rượu "quốc lủi".
Ngoài ra, một số trang thương mại điện tử cũng rao bán rượu nhưng số lượng hạn chế, không phổ biến như các trang web hay mạng xã hội. Với mặt hàng bia, do chưa có quy định cấm nên gần như trang thương mại điện tử nào cũng bán. Khách hàng chỉ cần vài thao tác nhấp chuột đơn giản là có thể mua được các loại đồ uống có cồn trên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), nhận xét quy định cấm bán đồ uống hơn 15 độ cồn trên internet thực tế đã thất bại. "Với một quy định đã có nhưng không thực thi, không quản được thì không nên đề xuất thêm quy định mới với nội dung tương tự bởi không mang lại hiệu quả gì.
Trên thực tế, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng mua các loại rượu, bia trên mạng, vậy sao không tạo điều kiện để họ được tiếp cận sản phẩm hợp pháp? Thêm nữa, với mục đích hạn chế thấp nhất tác hại của bia, rượu thì cần quản ở khâu cấp phép, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm chứ không nên siết ở khâu đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng" - ông Việt nêu quan điểm.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), việc cho phép các nhà sản xuất và kinh doanh rượu hợp pháp được sử dụng công cụ internet để bán hàng có thể giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, nồng độ cồn, chủng loại, nhà nhập khẩu hoặc phân phối. Từ đó, khách hàng có sự lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Theo dự thảo mới, bia cũng là mặt hàng bị cấm bán trên mạng internet giống như rượu mạnh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Không nên ngăn sông cấm chợ
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định cấm bán tất cả các loại bia, rượu như đề xuất tại dự thảo Luật Phòng chống tác hại của bia, rượu. Bởi rượu, bia không phải mặt hàng cấm sản xuất - kinh doanh và khi đã không bị cấm thì không lý gì cấm bán trên mạng.
Quy định này cũng đồng nghĩa với cấm các cá nhân, đơn vị đã được cấp phép sản xuất, buôn bán, kinh doanh rượu đăng tải sản phẩm để tiêu thụ trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội. Bên cạnh hạn chế quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng về lựa chọn, tìm hiểu thông tin sản phẩm, cơ quan quản lý đã đặt ra thêm rào cản cho những cá nhân, đơn vị làm ăn nghiêm túc.
"Người kinh doanh muốn bán hàng phải đăng ký ngành nghề kinh doanh đáp ứng các quy định của Luật Đầu tư thì mới được cấp phép hoạt động. Nếu như đã làm đúng các quy định vốn có của luật pháp thì không nên đặt thêm rào cản theo kiểu ngăn sông cấm chợ nữa, sẽ rất vô lý" - Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt nói.
Thừa nhận cần phải quản lý, hạn chế tác động xấu của bia, rượu, ông Đỗ Văn Vẻ cho rằng các biện pháp hợp lý là cấm bán ở khu vực gần trường học, bệnh viện; cấm bán rượu mạnh, rượu lậu; thắt chặt quản lý sản xuất và tiêu thụ đồ uống có cồn kém chất lượng; tuyên truyền sử dụng đồ uống có cồn một cách văn minh…
Theo EuroCham, việc hạn chế bán rượu, bia trên mạng sẽ không thúc đẩy tăng ngân sách trong bối cảnh ngân sách đang loay hoay tìm kiếm mọi nguồn thu bồi đắp. EuroCham phân tích: "Thương mại điện tử có khả năng lưu giữ dữ liệu giúp cơ quan quản lý có thể kiểm soát các hoạt động mua bán, thanh toán. Điều này cho phép nhà nước có được bức tranh toàn cảnh về tổng mức tiêu thụ sản phẩm, theo dõi và thu thuế tốt hơn, chống thất thu ngân sách. Mua bán rượu trên internet đòi hỏi người mua phải có số tài khoản hoặc thẻ ngân hàng hợp pháp, trong khi đó người chưa đủ tuổi thành niên không có thẻ nên không dễ dàng mua".
Bình luận (0)